Đầu tư khai thác sản phẩm du lịch chuyên sâu về nghề truyền thống phố cổ

Cập nhật: 28/04/2011
Nhắc đến khu phố cổ Hà Nội là nhắc đến những phố nghề truyền thống gắn liền với chữ “Hàng...”. Trước kia, đó là những phố nghề sầm uất, do công việc làm ăn bận bịu nên những người dân ở đây đã lập đình thờ tổ nghề, được coi là những nơi thờ bái vọng về đình thờ tổ nghề tại quê hương. Chính nơi đây lưu giữ những bề dày về lịch sử, dấu ấn thời gian và nếu được quan tâm đúng mức sẽ trở thành những điểm du lịch hấp dẫn.

Khách du lịch xem biểu diễn nghệ thuật tại đình Kim Ngân

Ít khách quốc tế biết đến

Bất kỳ du khách quốc tế đến Hà Nội đều muốn đến khu 36 phố phường, nơi được coi là cái hồn của Hà Nội xưa.

Du khách quốc tế khi đến Hà Nội đều biết về khu phố cổ qua cuốn sách “guide book” và họ đều biết nhiều khu 36 phố phường gắn liền với chữ “Hàng…” để chỉ về nghề buôn bán xưa kia nhưng nay nhiều khu phố đã bị thương mại hoá rất nhiều. Số người làm đúng nghề trên tuyến phố đó rất ít.

Với du khách quốc tế, ngoài việc tham quan, ngắm nhìn thì họ rất muốn được giao tiếp, tìm hiểu về cuộc sống của người dân khu phố cổ. Nếu nhà nào còn lưu giữ nghề truyền thống mà muốn hợp tác với lữ hành đều được đơn vị tổ chức hoặc khách sạn trong phố cổ hướng dẫn để khách vào hiểu hơn về những nghề đó.

Tuy nhiên, anh Lại Văn Quân, một hướng dẫn viên nhận xét: nhu cầu tìm hiểu văn hoá, nếu có đình thờ tổ nghề để làm điểm giới thiệu trong hành trình là rất tốt nhưng thực tế những điểm này thường đóng cửa, không có thuyết minh viên tại chỗ và hơn nữa nằm sâu trong hẻm, đến khách Việt còn khó tìm huống hồ là khách Tây”.

Nối tuyến đến làng nghề truyền thống

Người tâm huyết và đang đầu tư khai thác sản phẩm du lịch chuyên sâu về nghề truyền thống phố cổ là ông Đỗ Xuân Thuỷ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân. Hiện Công ty đã có 4 tour dạo thăm phố cổ nhưng chủ yếu giới thiệu về tuyến phố cổ, các điểm di tích lịch sử, thắng cảnh; còn tour chuyên biệt về nghề truyền thống phố cổ, Công ty đang nỗ lực khảo sát để sớm ra trong quý II/2011.

Ông Thuỷ cho biết: cái khó của tour phố nghề là điểm trình diễn của nghệ nhân còn chật hẹp, khó có thể tiếp đón những đoàn đông và đang tìm kiếm cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp và nghệ nhân để giới thiệu sản phẩm nghề đặc sắc. Hiện trong khu phố cổ có đình Kim Ngân đang được đầu tư và nếu hoàn thiện, đây sẽ là điểm giới thiệu tổ nghề khá hấp dẫn, nhất là khu phố Hàng Bạc rất đông khách lui tới.

Còn ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội cho rằng: Hầu hết các đình thờ tổ nghề khu phố cổ Hà Nội là nơi bái vọng của những người làm nghề trên phố. Do đó, để giúp du khách hiểu sâu hơn về nghề, các doanh nghiệp có thể kết nối tour từ phố cổ tới làng nghề.

Chẳng hạn như tổ nghề lụa có thể về Vạn Phúc thờ bà Lã Thị Nga đưa nghề dệt lụa về nơi đây hơn 1000 năm nay. Hoặc xem tranh thêu ở phố cổ, du khách có thể về tổ nghề ở Quất Động (Thường Tín) thờ cụ Lê Công Hành. Hà Nội có nhiều thuận lợi khi mở rộng địa giới hành chính, đấy là các làng nghề gắn liền với phố nghề.

Sau khi thăm phố cổ với các làng nghề, du khách có thể về làng nghề để chứng kiến người dân làm nghề, môi trường cảnh quan nông thôn Việt Nam, rồi thăm đình thờ tổ nghề để cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống người dân Việt Nam.

Tất nhiên, để thu hút khách phải có sự đầu tư về hạ tầng, dịch vụ kèm theo và hướng dẫn người dân biết làm du lịch. Hiện ý tưởng này mới đang được triển khai để đưa xây dựng các làng nghề thành điểm du lịch. Trong đó, ngành du lịch chọn vài làng nghề hội đủ các điều kiện cần thiết để đầu tư, thành điểm du lịch làng nghề nổi bật.

Anh Lại Văn Quân cũng cho rằng: Để đình thờ tổ nghề trở thành điểm du lịch, trước hết những nơi đó phải được nâng cấp với mặt bằng đủ rộng, có biển chỉ dẫn về địa điểm; trong đình có hình ảnh minh hoạ, giới thiệu thậm chí là trình diễn, có bán chính sản phẩm truyền thống đó làm đồ lưu niệm cho khách.

Theo Ban Quản lý phố cổ, trong khu vực phố cổ Hà Nội có khoảng 50 đình thờ tổ nghề. Để phục vụ cho khách du lịch đến tham quan chỉ có đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào) và đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc) đã được đầu tư giải phóng sự lấn chiếm, nâng cấp cải tạo để trở thành điểm giới thiệu với du khách về nghề truyền thống tại khu vực đó. Cả 2 điểm này đều do Ban Quản lý phố cổ quản lý và những dịp lễ tết đều có những hoạt động văn hoá, trưng bày các nghề truyền thống, tái hiện không gian văn hoá phố cổ thu hút khách.

Xuân Cường

 

Nguồn: Báo Văn hóa