Truyền thông có vai trò quan trọng bảo vệ môi trường

Cập nhật: 10/05/2011
Đề cao vai trò quan trọng của thông tin, truyền thông trong chiến dịch bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cũng nhấn mạnh "bảo vệ môi trường là bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta."

Ngày 10/5, phát biểu tại buổi thông báo các hoạt động nhân Ngày Môi trường thế giới;Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam, Thứ trưởng cho rằng vấn đề quản lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường phục vụ sự phát triển của đất nước là công việc không chỉ của riêng một địa phương, một ngành, hay của bất kỳ một quốc gia nào mà là nhiệm vụ chung của toàn cầu.
Trong đó, vai trò của thông tin, truyền thông là rất quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của người dân phải đồng lòng, quyết tâm chung tay hành động vì một hành tinh trái đất xanh, sạch, đẹp.
Về phần Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng cho biết trong giai đoạn 5 năm 2011-2015, Bộ tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên và môi trường, đồng thời tiến hành tổng kết quá trình thực hiện và phương án triển khai Luật đất đai 2003 và Luật Tài nguyên nước để trình Quốc hội tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Ngày 5/6 hàng năm đã được chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) chọn là ngày Môi trường thế giới. Và năm 2011, UNEP đã chọn chủ đề cho sự kiện này là Năm quốc tế về rừng với mục tiêu thúc đẩy việc quản lý, bảo tồn, phát triển bền vững tất cả các loại rừng, phòng chống phá rừng, suy thoái rừng.
Hưởng ứng năm quốc tế về rừng, UNEP lấy tiêu đề cho ngày môi trường thế giới 2011 là "Rừng: Giá trị cuộc sống từ thiên nhiên". Ấn Độ là quốc gia đăng cai tổ chức các hoạt động quốc tế của sự kiện này.
Cơ sở của việc UNEP chọn năm 2011 là Năm quốc tế về rừng, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, là dựa trên thực tế rừng che phủ 1/3 diện tích các lục địa, thực hiện nhiều chức năng, cung cấp các dịch vụ thiết yếu và duy trì sự sống trên hành tinh.
Hiện nay, 1,6 tỷ người trên trái đất có cuộc sống phụ thuộc vào rừng. Rừng hiện đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác chống biến đội khí hậu trái đất.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là mặc dù có nhiều biện pháp tích cực trong công tác giảm tác hại của hiệu ứng nhà kính song hiện giờ tình trạng phá rừng vẫn đang ở mức báo động. Hàng năm, có khoảng 13 triệu hécta rừng bị khai thác và phá hủy.
Cần phải nhanh chóng gióng lên hồi chuông báo động nếu nhân loại không muốn phải chịu hậu quả tàn khốc trong tương lai không xa.
Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và tỉnh Bắc Kạn tổ chức các hoạt động quốc gia nhân Ngày Môi trường thế giới và Năm quốc tế về rừng với nhiều hoạt động cụ thể.
Đáng chú ý là triển lãm rừng Việt Nam; hội thảo bảo tồn đất ngập nước và đa dạng sinh học; trao giải thưởng Môi trường Việt Nam; quyết định công nhận Ba Bể là khu Ramsar - khu bảo tồn dự trữ sinh quyển đất, rừng ngập nước thứ 3 của Việt Nam, sau vùng bãi bồi cửa sông ven biển - Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ và hệ ngập nước Bàu Sấu - Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Về Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và ngày Đại dương thế giới 8/6, theo ông Nguyễn Đăng Đạo, phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, điểm nhấn chủ đạo được xác định là "Trí tuệ xanh cho sự phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam, nhằm thu hút, khuyến khích, truyền cảm hứng cho thanh niên Việt Nam nói riêng, cộng đồng xã hội nói chung phát huy tinh thần sáng tạo, chung tay bảo vệ, chăm sóc tài nguyên biển, đảo.
Một số hoạt động chính của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, diễn ra tại tỉnh Khánh Hòa, là chương trình xác lập kỷ lục Việt Nam mang tên "Nối vòng tay lớn" với hơn 3.000 bạn trẻ cùng nắm tay nhau xếp thành hình bản đồ Việt Nam và đồng thanh hát Quốc ca khi mặt trời mọc trên bãi biển Nha Trang vào ngày 5/6; diễn đàn kinh tế biển lần 2; triển lãm ảnh "Nét đẹp biển, đảo Việt Nam"; kỷ niệm 10 năm khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang; khai trương phòng trưng bày tài nguyên biển hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa...
Tại thông báo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xác định chất thải đối với các khí nhà kính chủ yếu là carbon dioxide (CO2); methane (CH4) và nitrous oxide (N2O).
Trên cơ sở xác định các nguồn phát thải, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đánh giá và hình thành một số phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho 3 lĩnh vực chính là năng lượng; nông nghiệp; sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp, từ đó xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu tại Việt Nam, đề xuất các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu cho 8 lĩnh vực gồm tài nguyên nước; vùng ven bờ; nông nghiệp; lâm nghiệp; thủy sản; năng lượng; giao thông vận tải và sức khỏe.
Việc hoàn thiện thông báo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu giúp các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu trong quá trình lập kế hoạch, quy hoạch phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững của đất nước trong tương lai./.