Bình Định: Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn

Cập nhật: 12/05/2011
Không phải đến bây giờ, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn mới được đề cập đến. Song, thực tế cho thấy, đã đến lúc gióng lên hồi chuông báo động trước thực trạng này, khi mà môi trường ô nhiễm đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân…

* Ô nhiễm khắp nơi

Nhiều lần qua lại tỉnh lộ 630, chúng tôi tận mắt chứng kiến rác thải vung vãi ngay bên đường. Ở những nơi dân cư thưa thớt trên đoạn đường từ thôn Lại Khánh Tây (xã Hoài Đức, Hoài Nhơn) đến truông Gò Bông (ranh giới giữa 2 xã Ân Đức và Ân Tường Tây của huyện Hoài Ân), dưới những hàng tre, keo lai, bạch đàn bên bờ nam sông Kim Sơn là những đống rác thải sinh hoạt, trong đó có cả xác súc vật. Giữa ngày nắng gắt, mùi hôi thối càng nồng nặc, trở thành nỗi ám ảnh cho người đi đường. Ông Dương Tấn Thành, người dân sống gần truông Gò Bông, bức xúc: “Nhiều gia đình có vườn rộng nhưng không đào hố chôn rác mà cứ vô tư vứt ra đường. Chúng tôi nhiều lần góp ý nhưng chẳng cải thiện được là bao”.

Cũng dưới lòng sông Kim Sơn, đoạn từ bờ kè xã Ân Thạnh đến nơi hợp lưu với sông An Lão, luôn có những bao rác to nổi lềnh bềnh. Tại những khúc sông cạn, chúng dồn lại hàng chục bao, xác súc vật phân hủy, phát tán gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Ở nông thôn, một trong những tác nhân hàng đầu gây ô nhiễm môi trường là chất thải của các chuồng nuôi heo. Ở tỉnh Bình Định, có quá ít trang trại chăn nuôi tập trung, số trang trại có hệ thống xử lý chất thải hợp vệ sinh càng hiếm. Chính hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, cộng với ý thức kém của người dân đã làm môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tại các xã ven biển, tình trạng ô nhiễm từ hoạt động chế biến thủy, hải sản cũng đã đến hồi báo động. Ở thôn Thiện Chánh, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn từng có 22 cơ sở chế biến cá cơm xuất khẩu. Nước từ chế biến cá thải trực tiếp xuống bãi cát ven biển, bốc mùi hôi tanh, cộng với khói bụi từ các lò hấp cá đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân sống xung quanh. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương đã di dời toàn bộ các hộ làm nghề ra khỏi khu dân cư.

Trong khi đó, các hộ dân chế biến xương, da cá, do hoạt động riêng lẻ nên rất khó quản lý. Ở các xã Tam Quan Nam, Tam Quan Bắc…, các hộ sơ chế cá giữa khu dân cư thải trực tiếp chất thải ra môi trường. Nước rửa cá, luộc cá chảy tràn khắp nơi. Nhưng ám ảnh nhất là mùi cá ươn tanh nồng, vô cùng khó chịu dù ở cách nơi sơ chế vài trăm mét.

Ô nhiễm môi trường nông thôn đã và đang là hiểm họa đối với sức khỏe con người. Chính người dân nông thôn phải gánh chịu hậu quả của sự ô nhiễm do mình góp phần gây ra, khi tỉ lệ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp… ngày càng cao.

* Nâng cao nhận thức và xử lý nghiêm minh

Trước đây, vùng nông thôn dân cư thưa thớt, ruộng vườn, ao hồ còn nhiều, nên các chất thải chưa có tác hại lớn. Hiện nay, cùng với việc phát triển ngày càng mạnh sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ao, hồ, ruộng, vườn bị san lấp, nhà xây hai, ba tầng đang thay thế cho những ngôi nhà tranh vách đất… Nhưng để làm được một hệ thống xử lý chất thải vẫn còn là điều xa xỉ ở nông thôn. Công tác quy hoạch xây dựng ở nông thôn, vì thế cần được đánh giá lại một cách nghiêm túc.

Trước thực trạng môi trường sống ngày càng ô nhiễm, yêu cầu đặt ra đối với các cấp chính quyền là làm tốt công tác vận động, tuyên truyền người dân tự giác thực hiện. Ông Nguyễn Đô, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Thạnh, cho rằng: “Để xây dựng thành công mô hình nông thôn mới, một trong những yếu tố quan trọng là phải đảm bảo môi trường sạch. Hiện nay, ở Ân Thạnh, bức xúc nhất là tình trạng người dân vứt rác thải xuống chân cầu Phong Thạnh, cây cầu mới xây, đẹp nhất huyện. Chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân tự giác xử lý rác thải theo đúng quy định. Bên cạnh đó, cũng tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm khắc”.

Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân, điều cần thiết là phải đẩy mạnh hoạt động của các mô hình, dự án bảo vệ môi trường. Từ tháng 6.2009, Sở Tài nguyên & Môi trường và Hội LHPN tỉnh đã thực hiện mô hình “Gia đình thân thiện với môi trường”. Sau một thời gian thực hiện thí điểm tại địa bàn xã Ân Đức, huyện Hoài Ân đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Bà Nguyễn Thị Hiền, Trưởng Ban Tuyên giáo (Hội LHPN tỉnh), đánh giá: “Đáng chú ý nhất là ý thức bảo vệ môi trường của người dân, đã được nâng cao một bước. Không chỉ giữ gìn nhà cửa của mình sạch sẽ, các hộ tham gia mô hình còn biết cách phân loại, xử lý rác, nên hạn chế lượng rác thải sinh hoạt và chất thải chăn nuôi ra môi trường tự nhiên”. Từ kết quả đạt được, đến nay đã có 15/15 xã, thị trấn của huyện Hoài Ân đăng ký thực hiện mô hình “Gia đình thân thiện với môi trường”. Mô hình này cũng đã bắt đầu nhân rộng ra các huyện khác.

Để góp phần làm môi trường nông thôn sạch hơn, các cơ quan quản lý cần thường xuyên kiểm tra, xử lý mạnh tay các vi phạm, nhất là đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có hệ thống xử lý chất thải không đạt yêu cầu.

 

Nguồn: monre.gov.vn