Cứu làng nghề, khu công nghiệp – cụm công nghiệp khỏi ô nhiễm: Nhiệm vụ lâu dài, phức tạp

Cập nhật: 18/05/2011
Hàng trăm làng nghề truyền thống cùng nhiều khu công nghiệp - cụm công nghiệp (KCN - CCN), cơ sở sản xuất trên địa bàn Hà Nội đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển KT - XH Thủ đô. Tuy nhiên, với lối sản xuất manh mún, lạc hậu, ý thức bảo vệ môi trường (BVMT) chưa cao, hoạt động của khu vực này đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ô nhiễm nghiêm trọng

Hà Nội có cả trăm làng nghề truyền thống nổi tiếng cả nước, từ bún Phú Đô (huyện Từ Liêm), kéo Đa Sỹ, dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), đến sơn mài Duyên Thái, đồ gỗ Vạn Điểm (huyện Thường Tín)… Nhiều làng nghề thu hút 80% lao động địa phương, làm ăn rất phát đạt. Tuy nhiên, tỷ lệ thuận với sự phát đạt về kinh tế lại là sự gia tăng các loại bệnh tác động trực tiếp lên người dân. Kết quả phân tích mẫu nước thải, khí thải ở các làng nghề cho thấy hầu hết đều vượt tiêu chuẩn cho phép gấp nhiều lần. Riêng nồng độ bụi vượt từ 113 đến 230 lần, hàm lượng một số kim loại trong nước thải vượt hàng chục lần. Khảo sát ở làng bún Phú Đô, tình trạng ô nhiễm gây bốc mùi hôi thối vẫn xảy ra xung quanh làng nghề này. Khoảng 1.200 hộ gia đình sinh sống ở Phú Đô, thì có tới 50% hộ  theo nghề làm bún gia truyền. Bình quân mỗi ngày Phú Đô xuất xưởng chừng 50 tấn bún. Chất thải từ nước gạo chua không được xử lý chảy ra hệ thống cống rãnh của làng luôn bốc mùi hôi thối.

Tại KCN Vĩnh Tuy trên địa bàn quận Hoàng Mai, hệ thống thu gom xử lý nước thải gần như tê liệt từ nhiều năm qua, cống rãnh bao quanh các nhà máy thải ra thứ nước màu đen kịt, bốc mùi nồng nặc. Một số doanh nghiệp (DN) còn xả chất thải rắn công nghiệp ngay chân hàng rào nhà máy. Một số KCN vẫn chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung; không có nơi thu gom tập trung rác thải rắn…

Nhằm khắc phục tình trạng này, Ban Quản lý các KCN và khu chế xuất Hà Nội đã yêu cầu 400 DN thuộc 8 KCN phải gửi báo cáo phương án, hồ sơ BVMT để làm căn cứ quản lý, xử lý vi phạm. Cơ quan này cũng kiến nghị, với các dự án mới xin cấp phép đầu tư, nhất thiết phải phân loại rõ ràng ngay từ khâu quy hoạch, quy định rõ những ngành nghề nào được đầu tư vào Hà Nội và có phương án ưu tiên thu hút DN sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Đồng thời từ chối những dự án xin đầu tư vào lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm cao...

Phát triển phải gắn với BVMT

Đại diện UBND huyện Thanh Oai cho biết, hình thành các điểm công nghiệp tập trung nhằm từng bước đưa sản xuất ra xa khỏi khu dân cư là cách làm hiệu quả nhất đối với các làng nghề hiện nay. Thời gian qua, Thanh Oai và một số huyện khác đã tích cực triển khai dự án quy hoạch điểm công nghiệp làng nghề tập trung, được đông đảo nhân dân đồng tình. Tuy nhiên, Nhà nước cần hỗ trợ mạnh hơn để khuyến khích người dân chuyển đổi sản xuất; đồng thời dành nhiều quỹ đất để xây dựng điểm công nghiệp, làng nghề tập trung, bởi nhu cầu mặt bằng sản xuất rất lớn.

Các chuyên gia môi trường cho rằng, để xử lý triệt để ô nhiễm tại KCN - CCN cần sớm chuyển đổi, xây dựng thành các KCN - CCN sinh thái và yêu cầu chủ các cơ sở sản xuất phải thống nhất quan điểm hiệu quả kinh tế phải gắn với BVMT. Tất cả DN có nước thải phải xử lý sơ bộ đạt tiêu chuẩn đầu vào của hệ thống xử lý tập trung, trước khi thải vào hệ thống thu gom nước thải của KCN - CCN. Trường hợp chưa có hệ thống xử lý tập trung, từng DN phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, TP đang triển khai đầu tư một loạt dự án như: Dự án xây dựng Trạm xử lý nước thải cụm công nghiệp vừa và nhỏ Từ Liêm công suất 3.500m3/ngày đêm; dự án xây dựng Trạm xử lý nước thải KCN Thạch Thất - Quốc Oai; trạm xử lý nước thải KCN Phú Nghĩa; dự án thí điểm xử lý nước thải làng nghề chế biến tinh bột sắn tại xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai) công suất 200 - 300m3/ngày đêm; dự án đầu tư xây dựng Trạm xử lý nước thải làng chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu (huyện Hoài Đức)…

Việc cải thiện môi trường làng nghề, KCN - CCN là nhiệm vụ lâu dài và phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc của các sở, ngành liên quan và chính quyền, sự tham gia tích cực của người dân địa phương. Bên cạnh đó, khâu kiểm tra, xử lý vi phạm cần được thực hiện nghiêm túc.

 

Nguồn: Monre