Bắc Kạn: Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng

Cập nhật: 23/05/2011
Mặc dù được xác định có nhiều tiềm năng song cho đến nay, ngành du lịch Bắc Kạn vẫn chưa phát triển như mong đợi. Để các danh thắng trở thành điểm du lịch hấp dẫn cần có cơ sở hạ tầng tốt và nhiều dịch vụ phụ trợ chất lượng.

Tiềm năng để phát triển du lịch của Bắc Kạn khá dồi dào. Có thể kể như: Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại hồ Ba Bể; du lịch về nguồn (gắn với di tích lịch sử, khu ATK) tại các huyện Chợ Đồn, Bạch Thông, Ngân Sơn; du lịch văn hoá tâm linh có nhiều điểm tại Chợ Mới và thị xã Bắc Kạn… Đặc biệt các danh thắng của Bắc Kạn rất  độc đáo, hiếm có và còn khá nguyên sơ. Chính vì vậy, Tổng Cục Du lịch đã chọn Bắc Kạn là một trong 20 khu du lịch chuyên đề cấp quốc gia.

Tiềm năng là như vậy, nhưng phần lớn những  danh thắng chưa thực sự trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Nhu cầu của du khách là rất đa dạng. Ngoài chiêm ngưỡng danh lam thắng cảnh, họ cần nhu cầu về nghỉ ngơi, lưu trú, ăn, giải trí, mua quà lưu niệm, sưu tầm tư liệu và tranh ảnh về điểm du lịch, tham dự các sự kiện đặc biệt… với chất lượng phục vụ cao. Những nhu cầu này, nhiều điểm du lịch của Bắc Kạn chưa đáp ứng được.

Nơi có tiềm năng du lịch của Bắc Kạn hầu hết nằm rải rác, xa trung tâm đô thị. Vậy nên nếu không cung ứng được dịch vụ ăn, nghỉ có chất lượng ngay tại điểm du lịch sẽ là một bất lợi lớn. Do phải chi phối bởi việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội nên việc đầu tư và quan tâm đến du lịch của các địa phương chưa nhiều. Số doanh nghiệp làm du lịch lữ hành của cả tỉnh chỉ vẻn vẹn có 3 công ty, trung tâm. Đa số người dân bản xứ lại chưa quen với việc trực tiếp làm du lịch. Vậy nên dân cư sinh sống tại khu vực lân cận các danh thắng chưa đầu tư làm dịch vụ du lịch. Khách vượt đường xa đến thăm thú rồi phải lên xe, vội vã quay ra các trung tâm thị trấn, thị xã để ăn, nghỉ…

Hiện nay, điểm du lịch Hồ Ba Bể được coi là nơi cung ứng dịch vụ du lịch tương đối tốt so với các điểm du lịch khác trong tỉnh. Tại đây, người dân thôn Pác Ngòi (sống ven hồ Ba Bể) đang làm du lịch khá hiệu quả. Họ đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi cho du khách ngay trong những ngôi nhà sàn của mình, nấu những món ăn truyền thống và hơn thế, họ còn tổ chức biểu diễn các loại hình văn hoá văn nghệ giàu bản sắc của địa phương.

Trước thành công của mô hình du lịch cộng đồng như đã nêu trên, chúng ta đang hy vọng có thêm nhiều “làng làm du lịch” tại những điểm như Thác Bạc (thị xã Bắc Kạn), Động Nàng  Tiên (Na Rì), Khu sinh thái Nà Khoang (Ngân Sơn), các  điểm di tích  lích sử cách mạng tại khu ATK Chợ Đồn, Di tích Nà Tu (Bạch Thông)…

Về lâu dài, tỉnh cần tiếp tục kêu gọi đầu tư cho du lịch; hướng dẫn người dân biết đầu tư làm du lịch để xoá đói giảm nghèo. Nghiên cứu tạo thêm nhiều sản phẩm phục vụ du lịch đặc trưng của Bắc Kạn, thông qua việc xây dựng làng nghề thủ công mỹ nghệ, chế tác sản phẩm lưu niệm từ nguyên vật liệu sẵn có…

 

Nguồn: website báo Bắc Kạn