Môi trường bệnh viện Hà Nội: Thiếu các hệ thống xử lý chất thải

Cập nhật: 27/05/2011
Chất thải y tế là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường và tác động xấu lên sức khỏe con người. Khi nhu cầu khám chữa bệnh của con người càng tăng thì rác thải y tế cũng không ngừng phát triển. Đây là thực trạng chung của không ít các bệnh viện tại TP. Hà Nội.

"Mải mua trâu quên sắm dây thừng"

Có một thực tế hiện nay, nhiều bệnh viện tại Hà Nội chỉ lo đầu tư mua sắm trang thiết bị và mở rộng cơ sở, dịch vụ khám chữa bệnh mà quên đi việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Một số nơi dù đã có hệ thống xử lý nước thải lại lơ là, buông lỏng trong việc vận hành và bảo trì hệ thống dẫn đến quá tải, xuống cấp rồi ngừng hoạt động.

Có mặt tại Bệnh viện E vào một ngày cuối tuần tháng 5, tại khu chứa rác thải y tế, theo quan sát của chúng tôi, kho chỉ rộng chừng hơn chục mét vuông, mặc dù, bên trong được bố trí những thùng chứa, tuy nhiên, các chai, lọ thuốc, bông, băng, gạc... lại vứt bừa bãi ngay trên nền kho, hệ thống cửa kho chứa được mở toang hoang. Ngay liền kề là khu chứa rác thải sinh hoạt, rác được đựng trong những bịch nilon vứt chồng đống ngay trên nền sân không có mái che phơi mình trước thanh thiên tuế nguyệt, bốc mùi khó chịu. Đáng chú ý là khu vực tập kết rác thải này nằm cách khu điều trị vài chục mét.

Ông Nguyễn Xuân Lượng - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn cho hay, tổng khối lượng rác thải y tế của Bệnh viện E hiện nay khoảng 80kg/ngày, lượng nước thải 500 m3/ngày, rác thải sinh hoạt khoảng 500 - 600kg/ngày. Hiện, bệnh viện chưa có công trình xử lý rác thải, chỉ có hệ thống xử lý nước thải với công suất 700m3/ngày đêm với tổng số vốn 6 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách bảo vệ môi trường và đi vào hoạt động được năm rưỡi. Tuy nhiên, thời điểm khảo sát tại hệ thống xử lý nước thải, chúng tôi nhận thấy hệ thống nằm im lìm, không được vận hành.

Theo ông Lượng, kế hoạch từ nay đến năm 2012, bệnh viện sẽ tiến hành xây dựng lại hệ thống thu gom chất thải rắn. Trong khi chờ xây dựng lại hệ thống, hàng ngày số lượng rác thải y tế và sinh hoạt của bệnh viện vẫn được thu gom về kho chứa chưa đạt tiêu chuẩn như hiện có. Một nghịch lý là, mặc dù, kêu ca do thiếu kinh phí đầu tư cho bảo vệ môi trường và việc nâng cấp cải tạo hệ thống xử lý chất thải phải chờ tới hơn 1 năm nữa, nhưng thời điểm hiện tại theo quan sát, bệnh viện lại đang tiến hành tu sửa và đầu tư xây dựng một số khoa khám bệnh mới.

 

Nguồn thải... nguồn bệnh

Theo thống kê, Hà Nội có tổng cộng 60 bệnh viện trực thuộc thành phố, bao gồm 40 bệnh viện công và 20 bệnh viện tư nhân. Tuy nhiên, chỉ có 14/40 bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải rắn, 15 đơn vị đã có hệ thống xử lý chất thải lỏng hoàn chỉnh theo công nghệ lắng lọc. Lượng chất thải từ các bệnh viện chiếm 1,76% tổng số chất thải của toàn thành phố Hà Nội. Mỗi ngày trung bình 1 giường bệnh thải ra khoảng 2,27 kg rác, trong đó có tới 25% là rác thải nguy hại. Nguy hiểm nhất là các bệnh phẩm, gồm các tế bào, các mô bị cắt bỏ trong phẫu thuật, tiểu phẫu, các găng tay, bông gạc có dính máu mủ, nước lau rửa từ các phòng điều trị, phòng mổ, khoa lây, khí thoát ra từ các kho chứa, nhất là kho chứa radium, khí hơi từ các lò thiêu... Sau đó là các chất thải do dụng cụ phục vụ như kim tiêm, ống thuốc, dao mổ, lọ xét nghiệm, túi ôxy... chất thải hóa chất sinh ra độc hại như dung môi hữu cơ, huyết thanh quá hạn, hóa chất xét nghiệm... cuối cùng mới tới nước thải và nước thải sinh hoạt. Sự nguy hiểm của rác thải bệnh viện, qua một xét nghiệm khoa học cho thấy, mỗi một gram bệnh phẩm như: mủ, đờm... nếu không được xử lý thì sẽ truyền 11 tỷ vi khuẩn gây bệnh ra ngoài.

Các bệnh viện của Hà Nội còn hạn chế về số lượng hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế độc hại vẫn đang cố gắng khắc phục bằng cách thu gom, đưa vào bể đựng, thực hiện xử lý bằng Cloramin B để khử khuẩn, làm sạch nước thải trước khi xả thẳng vào hệ thống nước thải chung của thành phố. Biện pháp này về cơ bản vẫn đảm bảo được vệ sinh nguồn nước, môi trường, song nếu quá trình xử lý nước thải chưa sạch, không được giám sát thường xuyên rất dễ dẫn đến tình trạng ô nhiễm, nhiều chất độc hại trong nước thải bệnh viện chưa được xử lý kỹ đã đổ vào môi trường, là nguồn lây truyền bệnh nguy hiểm.

 

Nguồn: monre.gov.vn monre.gov.vn