Cần qui hoạch đồng bộ vùng biển ven bờ

Cập nhật: 31/05/2011
Hiện có khoảng 15 bộ, ngành và lĩnh vực dịch vụ đang trực tiếp quản lý và khai thác biển, hải đảo ở mức độ khác nhau. Tuy nhiên vẫn chưa có một khuôn khổ chính sách, luật pháp thống nhất đối với đới bờ.

Ngày 30/5, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo Đánh giá kinh nghiệm, kết quả và tác động của các mô hình thí điểm Quản lý tổng hợp đới bờ do Cục Quản lý khai thác Biển và Hải đảo thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức. Gần 50 đại biểu từ các tỉnh thành khu vực miền Trung đã tham gia Hội thảo.

Các đại biểu là các chuyên gia về biển đảo tập trung thảo luận và lắng nghe kinh nghiệm của các tỉnh, thành thí điểm dự án; làm cơ sở đề xuất phạm vi đới bờ để thực hiện quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam; xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược và kế hoạch hành động quản lý tổng hợp đới bờ Quốc gia từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Những rào cản

Theo ông Hứa Chiến Thắng – Phó giám đốc Trung tâm Qui hoạch, điều tra, đánh giá tài nguyên môi trường biển và hải đảo, thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, tình hình khai thác, sử dụng và quản lý biển, hải đảo ở nước ta dù có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Cơ cấu ngành nghề kinh tế biển chưa hợp lý, chưa đáp ứng yêu cầu đưa Việt Nam trở thành một đất nước mạnh về kinh tế biển.

Theo đánh giá của ông, quản lý tổng hợp đới bờ tại Việt Nam mới ở giai đoạn sơ khai, hiện chưa có một cơ quan trung ương nào có trách nhiệm “phân vùng”, “quy hoạch” theo chức năng hay mục đích sử dụng một cách tổng thể cho đới bờ quốc gia.

Nguyên nhân do mô hình quản lý tổng hợp đới bờ áp dụng tại các địa phương phải đương đầu với những vấn đề nan giải khi nhận thức về vấn đề này còn quá mới mẻ, lạ lẫm và chưa thống nhất cả trong đội ngũ cán bộ ở các cục, viện nghiên cứu. Do đó, việc đặt ra kế hoạch hành động còn chưa đồng nhất ở các cấp chính quyền.

Theo ông Hứa Chiến Thắng, ranh giới hành chính trên biển giữa các tỉnh, thành chưa được xác định rõ. Các tỉnh, thành chỉ quản lý hành chính đến đường bờ biển. Trách nhiệm và nghĩa vụ của một số cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng một số tài nguyên đới bờ chưa rõ ràng. Và cũng chưa có một cơ quan nghiên cứu, tư vấn khoa học, công nghệ, nhân lực đủ trình độ trong lĩnh vực quản lý tổng hợp và quy hoạch tổng thể “đới bờ”.

Vấn đề kiện toàn bộ máy thực hiện quản lý tổng hợp đới bờ được các đại biểu đề xuất phải ưu tiên đặt lên hàng đầu.

Nhân rộng mô hình thí điểm

Trước những thách thức trong công tác quản lý và bảo vệ biển – hải đảo Việt Nam, một số dự án, chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế … triển khai trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Tại Đà Nẵng, chương trình đã tạo được cơ chế phối hợp đa ngành để quản lý tài nguyên và môi trường vùng bờ: phân loại rác thải tại nguồn; nâng cao nhận thức cộng đồng về làm sạch bãi biển; quan trắc môi trường; điều tra khảo sát các nguồn tài nguyên biển; lập dự án thành lập khu bảo tồn rạn san hô tại khu vực Nam bán đảo Sơn Trà; ngăn ngừa và giảm ô nhiễm rác thải …

Qua dự án, Đà Nẵng đã dần hình thành một nhận thức mới trong cộng đồng về vấn đề bảo vệ TNMT; xây dựng hồ sơ môi trường vùng bờ thành phố, hệ thống quản lý thông tin tổng hợp, đánh giá rủi ro môi trường; xây dựng cơ chế hợp tác giữa nhà nước và tư nhân trong đầu tư môi trường … giúp vùng bờ biển thành phố có một diện mạo mới, phát triển bền vững hơn.

Tại Thừa Thiên Huế, Dự án đã thành lập được 8 khu bảo vệ các giống loài thủy sản, 2 khu bảo tồn đất ngập nước và rừng ngập mặn trên hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai; xây dựng các công trình bảo vệ bờ biển, lồng ghép việc quản lý vùng bờ với giảm nhẹ thiên tai; qui hoạch và triển khai các hệ thống giao thông, thị trấn, thị xã vùng bờ.

Tại Quảng Nam, dự án cũng đã triển khai xây dựng chiến lược quản lý đất ngập nước giai đoạn 2010 – 2020; đánh giá môi trường chiến lược các công trình thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia –  Thu Bồn …

Theo Phó Giáo sư- Tiến sĩ Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, trên cơ sở đánh giá tổng hợp các dự án thí điểm, Tổng cục Biển và Hải đảo đã lên chương trình xây dựng 1 khung chiến lược; đồng thời mời các nhóm chuyên gia đánh giá thể chế, chính sách hiện tại; điều kiện xây dựng hồ sơ đới bờ; kĩ thuật quang trắc dữ liệu…

Dự kiến ngày 15/6/2011 các nhóm sẽ hoàn thành chuyên đề, sau đó đưa ra báo cáo áp vào các khung chiến lược, nhằm đưa ra 1 khung pháp lý để quản lý tổng hợp đới bờ.

Mục tiêu của Chương trình nhằm nâng cao đời sống của nhân dân tại địa phương, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Từng địa phương khai thác chiến lược riêng phù hợp với đặc thù từng vùng.

 

Nguồn: vea.gov.vn/Chinhphu