Sở hữu nhiều loại hình di sản, đặc biệt là di sản địa chất và văn hóa, Hà Giang thực sự là địa phương có lợi thế về phát triển du lịch. Sự kiện Cao nguyên đá Đồng Văn vào cuối năm 2010 được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu càng mở đường cho định hướng phát triển này. Tuy nhiên, bản thân việc xây dựng và tổ chức các sự kiện, mô hình du lịch nơi đây vẫn tồn tại không ít những hạn chế, xuất phát từ chính quy trình thực hiện và ý thức của người dân địa phương.
Tiềm năng và lợi thế
Đá là nét đẹp chủ đạo của vùng địa chất vốn tồn tại nhiều trăm năm tuổi. Cao nguyên Đồng Văn nổi tiếng cũng bởi có đá, đá cao chót vót, đá tạo nên sự hùng vĩ và linh thiêng. Địa danh ấy ngày nay không còn khép mình trong phạm vi một tỉnh, một nước mà đã trở thành di sản của cả nhân loại với những giá trị riêng biệt, độc đáo. Chính giá trị ấy đã kiến tạo nên hình hài Công viên địa chất toàn cầu ngày nay.
Công viên địa chất toàn cầu Đồng Văn gồm bốn huyện vùng cao của Hà Giang: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc với tổng diện tích 2.356 km2, độ cao trung bình từ 1400-1600m so với mực nước biển, thấp dần từ Bắc xuống Nam. Khí hậu đặc trưng của vùng này là ôn đới với hai mùa mưa – khô rõ rệt, nhiệt độ trung bình từ 25-280C. Địa hình chia cắt mạnh, hiểm trở, cộng thêm nét văn hóa độc đáo của các dân tộc càng khiến Công viên địa chất Đồng Văn trở nên huyền bí, hấp dẫn.
Theo thống kê, có tới 19 loại đá khách nhau tại di sản đặc biệt này, trong đó đá vôi chiếm tới 10 loại. Nơi đây cũng đã phát hiện ra 13 phân vị địa tầng, 17 nhóm hóa thạch cổ sinh (như nhóm Tay cuộn, Bọ ba thuỳ, Cá cổ, Thực vật thuỷ sinh, San hô đáy, Lô Tầng, Răng nón, rong, rêu và tảo…) và hệ thống hang động kì bí, độc đáo (hang Khố Mỉ, Hang Ong, Động Nguyệt, Xả Lũng…). Điều đáng nói là Công viên địa chất này còn sở hữu một phần diện tích của Khu bảo tồn thiên nhiên Du Già rất giàu tài nguyên sinh vật với 289 loài thực vật bậc cao thuộc 83 họ và 171 loài động vật nằm trong 73 họ thuộc 24 bộ, trong đó có 27 loài quí hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.
Bên cạnh những giá trị về di sản địa chất và môi trường thiên nhiên, sự hiện diện của 17 dân tộc sinh sống với những nét văn hóa đặc trưng, độc đáo cũng là một trong những lợi thế quan trọng giúp Hà Giang thúc đẩy định hướng phát triển du lịch,
Du lịch tăng trưởng ấn tượng
Trong năm 2010 và đầu năm 2011, lượng khách nội địa đến với Hà Giang lên tới gần 530.000 lượt người, con số cực kỳ ấn tượng trong chuỗi hành trình phát triển của ngành du lịch địa phương. Thời gian lưu trú bình quân của du khách cũng tăng lên xấp xỉ gần 3 ngày, tạo cơ hội cho các dịch vụ du lịch hoạt động hiệu quả. Doanh thu từ dịch vụ du lịch năm 2010 đạt gần 310 tỷ đồng và trong 5 tháng đầu năm 2011 đạt gần 200 tỷ đồng.
Để đáp ứng nhu cầu về du lịch, Hà Giang đã tập trung phát triển hơn 100 cơ sở lưu trú, hệ thống phòng nghỉ và nơi ăn ở cũng được xây dựng khang trang, hiện đại. Hệ thống các làng văn hóa du lịch cộng đồng cũng được quan tâm chú trọng như làng du lịch văn hóa Tày, Dao, Pà Thẻn, Mông, Lô Lô hay các làng du lịch nghề như Làng rượu, thổ cẩm, khèn Mông. Bên cạnh đó, địa phương còn tích cực xây dựng các tuyến lữ hành theo nhu cầu du khách, kết hợp với các địa phương lân cận thực hiện liên vùng du lịch quốc tế, kí kết phát triển du lịch với ba tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn…
Khó khăn cần vượt qua
Bên cạnh những thành quả đạt được, Hà Giang vẫn còn tồn tại không ít những khó khăn, hạn chế trong phát triển du lịch ở vùng Công viên địa chất. Cơ sở vật chất nơi đây vẫn khá nghèo nàn, chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư; các mô hình du lịch sinh thái, du lịch gắn với cộng đồng chưa được triển khai thực hiện tốt. Đội ngũ cán bộ tham gia hoạt động phát triển du lịch chưa thực sự tâm huyết với nghề, một số yếu cả về chuyên môn và ngoại ngữ; nhiều nơi chưa có quy hoạch hay định hướng rõ ràng về phát triển du lịch; các sản phẩm du lịch còn quá nghèo nàn…
Đó là chưa kể tới nhiều hình ảnh không được đẹp mắt tại một số nơi như việc người dân vẫn tiếp tục tái diễn tình trạng bán đá cảnh, phong lan rừng, các loại chim họa mi, sáo mỏ vàng, yểng, vẹt… ngay tại cổng vào Công viên, nhiều trẻ em thậm chí tràn cả ra đường bám riết du khách.
Để khắc phục tình trạng trên, các ngành chức năng của Hà Giang, đặc biệt là Ban quản lý Công viên địa chất và các công ty du lịch cần nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ di sản, bảo vệ môi trường, đồng thời có chính sách thỏa đáng trong việc giữ gìn, phát huy vốn văn hóa nhà cổ, làng cổ, giúp bà con phát triển sinh kế dựa vào các mô hình du lịch bền vững nhằm giữ lại những nét văn hóa độc đáo của vùng đất này và góp phần cải thiện đời sống người dân.