Rừng ngập mặn giúp giảm tác động biến đổi khí hậu

Cập nhật: 09/06/2011
Theo đánh giá của Bà Sharon Brown, cố vấn trưởng kỹ thuật của Tổ chức GIZ, Việt Nam đã thành công trong mô hình trồng cây ngập mặn ven biển tại ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang để chống xói lở, bảo vệ đê đê biển do AUSAID tài trợ và GIZ thực hiện dự án từ 2008 đến 2011.

Anh Nguyễn Tấn Phong, cán bộ kỹ thuật của dự án, chịu trách nhiệm triển khai mô hình trên cho biết, điều đặc biệt ở mô hình Vàm Rầy chính là tính địa phương của nó.

Mô hình trồng rừng ngập mặn mới này đã đáp ứng được nhiều yêu cầu là sử dụng nguyên liệu địa phương, sử dụng kiến thức của địa phương và nhân rộng mô hình ra nhiều nơi khác và chi phí rẻ, anh Phong cho biết.

Hiện khu vực thí nghiệm của dự án ở Vàm Rầy có diện tích 3,36ha, trên chiều dài của con đê là 1,5km

Trước đây, tại địa phương cũng đã thử nghiệm nhiều mô hình bảo vệ đê, chống xói lở… nhưng chi phí làm đê bằng bêtông có thể lên tới 30 tỷ đồng/km, mà rồi nó vẫn bị vỡ hàng năm nếu không có rừng bảo vệ, anh Phong nói.

Ở Việt Nam, thực tế đã chứng minh tại nhiều địa phương, khi bão lớn tràn vào, nơi nào có rừng ngập mặn, nơi đó vẫn còn các con đê.

Chính vì vậy, qua tìm hiểu kinh nghiệm người dây địa phương, cây tràm đã được chọn để trồng ở Vàm Rầy, sau 3 năm cây đã lớn nhất nhanh, có khả năng tái sinh, và điều đặc biệt là khả năng tái sinh còn tốt hơn là trồng mới.

Bà Tư Ánh, ở ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất chia sẻ, đây là một trong những vùng lõi của tỉnh Kiên Giang và là một trong những điểm sạt lở nghiêm trọng đang được GIZ triển khai trồng rừng ngập mặn.

Hiện có 14 hộ đang sinh sống tại đây và được dự án mời tham gia trồng cây ngập mặn với tiền công 100.000 đồng/ngày.

Tiến sỹ Sharon Brown, thuộc Đại học Queensland (Australia), Cố vấn trưởng về kỹ thuật cho mô hình đã ở Kiên Giang 3 năm qua, và tham gia vào dự án ngay từ những ngày đầu tiên.

Bà cho biết, theo thông tin được xác nhận từ trường Queensland, mô hình trồng rừng ngập mặn ở khu vực bị xói lở như ở Vàm Rầy là rất hiếm trên thế giới và đây có thể là mô hình đầu tiên trên thế giới.

Thay vì mỗi năm, địa phương có thể bị sóng đánh cuốn đi trung bình 30m đất ven biển, thì người dân đã có thể tự tin vay tiền ngân hàng để làm ăn, đầu tư trồng trọt hoa màu, nuôi thủy sản mà không sợ sóng đánh cuốn đi nhà cửa, của cải như trước, bà nói.

Tiến sỹ Sharon Brown cho biết, bà tin tưởng mô hình ở Vàm Rầy có tính ứng dụng cao. “Chúng tôi đang chuẩn bị mở rộng nó sang các khu vực khác ở Việt Nam, các nước thuộc khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan và Indonesia - những nước gặp vấn đề tương tự như ở Đồng bằng Sông Cửu Long và tất nhiên, phải nghiên cứu kỹ trước khi áp dụng cho từng vùng,“ tiến sỹ Sharon nói.

Cũng tại một cuộc hội thảo được tổ chức đầu tháng sáu vừa qua tại Kiên Giang, ông Lương Thanh Hải, Giám đốc sở Khoa học công nghệ tỉnh Kiên Giang cho biết, các nhà quản lý, các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao kết quả thực tiễn trồng rừng ngập của dự án này và đây chính là cơ sở để Chính phủ Australia và Đức quyết định mở rộng thành Chương trình Biến đổi khí hậu với nguồn kinh phí tài trợ trong giai đoạn tới (kéo dài 5 năm) cao gấp hơn 20 lần so với tài trợ của giai đoạn đầu đã qua.

Ông Trần Thanh Nam, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang cho biết khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang là một trong những khu dự trữ sinh quyển lớn nhất của Đông Nam Á.

Với 205km bờ biển, Kiên Giang là tỉnh có bờ biển dài nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng theo số liệu của tổ chức GIZ đưa ra 33% chiều dài bờ biển ở Kiên Giang đang bị xói lở, và 59% bị đánh giá là có nguy cơ xói lở trong thời gian tới và 11km đê biển đã bị sóng biển phá vỡ hoàn toàn./.

Ngọc Dung

 

Nguồn: TTXVN