Đã từ lâu, thành phố biển Nha Trang tỉnh Khánh Hòa đã là điểm đến không thể thiếu của du khách xa gần, bởi nơi đây hội tụ những gì đặc sắc nhất của môi trường biển. Đó là biển xanh, cát trắng, nắng vàng, khí hậu thuận hòa và những làn gió phóng khoáng mát lành thổi suốt đêm ngày trên vùng vịnh đẹp nhất thế giới này, đang được chính quyền và người dân địa phương nỗ lực bảo tồn vẹn nguyên cho các thế hệ mai sau.
Nhiều năm qua, Khánh Hòa luôn là tỉnh nằm trong tốp 5, tốp 10 của cả nước về thu ngân sách, tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người vượt trội hơn hẳn so với các địa phương khác trong cả nước, những thành tựu đó đều bắt nguồn từ biển. Nét đặc trưng kinh tế biển nơi đây là du lịch; khai thác, nuôi trồng thủy sản, chế biến và xuất khẩu thủy sản; đóng tàu và vận tải biển…Trong đó dịch vụ-du lịch đang là ngành mũi nhọn của nền kinh tế địa phương, riêng năm 2010 đã đạt 1,8 triệu lượt khách, doanh thu chiếm tới 43,32% cơ cấu kinh tế cả tỉnh.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XXVI đã xác định: Đến năm 2015 tỉnh sẽ trở thành trung tâm kinh tế-văn hóa-du lịch của cả nước, cơ bản đạt các tiêu chí của một thành phố trực thuộc Trung ương với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12-13%năm, GDP đầu người đạt 3000USD.
Tiến sĩ Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Khánh Hòa phát triển kinh tế biển, đảo không phải bằng mọi giá, mà theo hướng bền vững, lâu dài gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Do đó, thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn 2006-2010, địa phương đã đầu tư 94,6 triệu USD cải thiện môi trường thành phố Nha Trang; đầu tư 2.048 tỷ đồng xây kè và đường bờ sông Cái; Dự án chỉnh trị hạ lưu sông Tắc - sông Quán Trường với tổng mức đầu tư 593 tỷ đồng. Những dự án lớn này sau khi hoàn chỉnh sẽ giải quyết được triệt để các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước trong vịnh Nha Trang.
Đặc biệt, Dự án thí điểm Khu bảo tồn biển Hòn Mun là “Dự án tổng hợp giữa bảo tồn và phát triển” nhằm hỗ trợ cho sự hình thành của Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang đã lôi kéo được nhiều thành phần kinh tế tham gia, đồng thời triển khai các hoạt động phát triển cộng đồng để hỗ trợ người dân địa phương khi hạn chế hoạt động đánh bắt hải sản trong vùng vịnh. Sau 4 năm hoạt động, Dự án đã tiến hành lắp đặt được 50 phao neo quanh đảo Hòn Mun cho các tàu du lịch sử dụng để tránh tình trạng thả neo lên rạn san hô gồm 350 loài (chiếm hơn 40% loài san hô cứng tạo rạn trên thế giới); thu nhặt trên 80.000 con sao biển là địch hại của rạn san hô; khôi phục trên 5 ha rừng ngập mặn ở Đầm Báy; thả hàng chục vạn con tôm hùm, cá dìa, hải sâm và bào ngư để bổ sung nguồn lợi và tăng thêm sự đa dạng sinh học trong vùng lõi Hòn Mun…
Ngoài công tác nâng cao nhận thức cộng đồng về Khu bảo tồn Biển vịnh Nha Trang được thực hiện rộng khắp ở tất cả các trường Tiểu học và Trung học cơ sở trong khu vực, nên có tới trên 1.600 học sinh và giáo viên tự nguyện tham gia bảo vệ môi trường biển. Ban quản lý Dự án đặt trọng tâm hàng đầu vào việc nâng cao sinh kế cho người dân, bước đầu đã hỗ trợ và phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tín dụng trên 1 tỷ đồng giúp người dân mở mang dịch vụ, phát triển ngành nghề thủ công và chăn nuôi cải thiện kinh tế gia đình, chưa kể trợ giúp cho hàng chục hộ xây dựng bể lọc nước và xây dựng nhà vệ sinh…Hiện vịnh Nha Trang có khoảng 7.000 lồng bè nuôi hải sản và 5.000 người sinh sống ở đây, nên t rong thời gian tới Dự án sẽ triển khai kế hoạch hướng dẫn người dân nuôi trồng thủy sản toàn diện và thân thiện với môi trường, như rong sụn và các loài có thể lọc nguồn thức ăn để hỗ trợ cho mục tiêu bền vững của Khu bảo tồn Biển.
Khác với các khu dân cư chài lưới truyền thống nhà cửa thường tạm bợ, ngập ngụa rác thải và ruồi muỗi. Khu tái định cư gồm trên 2.000 hộ của ngư dân thuộc Cảng Hòn Rớ, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang có thể coi là mô hình mẫu của những làng chài thời hiện đại. Bởi cả 4 thôn nơi đây được quy hoạch thành một thị trấn trù phú ngập tràn cây xanh, với hệ thống điện-đường-trường-trạm khang trang, sạch đẹp.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã cho biết tổng số ghe tàu của xã có 395 chiếc, trong đó số ghe tàu có công suất từ 90 CV trở lên gồm 70 chiếc và hầu hết đều đánh bắt trung và xa bờ, riêng 5 tháng đầu năm đã khai thác được 570 tấn hải sản các loại, chưa kể 10ha mặt nước nuôi tôm chân trắng và các loại cá nước ngọt và nước mặn. Nhờ người dân ý thức được việc bảo vệ môi trường là để phát triển kinh tế biển bền vững cho chính mình, nên nhiều năm qua trên địa bàn xã Phước Đồng không xảy ra dịch bệnh cho các loài tôm cá nuôi trong vịnh và các ao đầm.
Ngay cả Cảng Hòn Rớ là nơi tập kết hải sản và làm dịch vụ nghề biển, hàng ngày tiếp nhận hàng trăm lượt tàu thuyền và tập kết hàng trăm tấn cá, tôm. Song nơi này vẫn vắng bóng loài ruồi nhặng và mặt nước Cảng rất hiếm váng dầu mỡ, do rác và nước thải được thu gom thường xuyên và không xả thẳng xuống biển như những nơi khác.
Khánh Hòa cũng không hề “nương tay” đối với bất cứ hành vì nào gây tồn hại đến môi trường sinh thái nói chung và môi trường biển nói riêng. Điển hình như vụ việc gần đây nhất là Công ty cổ phần Đường Khánh Hòa có nhà máy đóng tại thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm đã xả nước thải và khí thải vượt tiêu chuẩn gây ô nhiễm môi trường đã bị xử phạt 165 triệu đồng. Mặt khác, UBND tỉnh buộc Công ty phải có ngay biện pháp khắc phục tận gốc tình trạng ô nhiễm môi trường gây ra tại nhà máy nói trên. Đây cũng chính là hành động nhất quán của các cấp chính quyền ở Khánh Hòa trong việc nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường biển bền vững.