Một trong những vấn đề trọng tâm mang tính toàn cầu hiện nay là làm thế nào ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Hiện không một quốc gia nào không phải gánh chịu ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng này.
Thực tế cho thấy, ảnh hưởng của BĐKH càng ngày càng nghiêm trọng, tác động đến cuộc sống nhân loại trên trái đất, trực tiếp ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Trái đất đang ngày càng nóng dần lên, nước biển dâng, lũ lụt xảy ra với tần suất và cường độ lớn hơn. Theo dự báo, Việt Nam là một trong 5 quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của BĐKH và nước biển dâng; và TP.HCM là một trong 5 thành phố trên thế giới có nguy cơ ngập lụt lớn nhất.
Trong những năm gần đây, TP.HCM liên tục xảy ra triều cường với mức nước lớn hơn, mưa lớn trên diện rộng, đường lún sụt, xuất hiện những hố “tử thần”… cho thấy nguy cơ của dự báo trên đang đến rất gần.
Ngành xây dựng giữ vai trò quan trọng
Dự báo đặt TP.HCM trước những thách thức rất lớn trong việc ứng phó với BĐKH. Và để ứng phó với vấn nạn toàn cầu này, đòi hỏi sự tham gia, hợp tác của tất cả các cấp, bộ ngành và ý thức của tất cả người dân. Tuy nhiên, có thể thấy rằng lĩnh vực xây dựng giữ một vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của BĐKH.
PV Tamnhin.net đã phỏng vấn ông Phan Trường Sơn - Trưởng phòng Phát triển Đô thị, Sở Xây dựng TP.HCM về những giải pháp giúp thành phố vượt qua nguy cơ ngập lụt theo thông tin dự báo. Ông Sơn cho biết, hiện Sở Xây dựng TP.HCM đang trực tiếp chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng, các chủ đầu tư triển khai thực hiện các công trình xanh hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Sơn lý giải, xây dựng các công trình đặt mục tiêu phát triển bền vững là một hình thức phát triển giúp đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai. Nó là cách tiếp cận toàn diện, là phần giao thoa của 3 mối quan tâm (1) Môi trường sinh thái, (2) Xã hội và (3) kinh tế, được gọi là 3 nhóm chính của phát triển bền vững.
Và ông Sơn cho biết, hiện TP.HCM đang triển khai một số dự án lớn nhằm giảm thiểu nguy cơ và thích ứng với BĐKH. Cụ thể như: Dự án nghiên cứu đô thị cực lớn – TP.HCM “Phát triển đô thị bền vững, cơ chế thống nhất quy hoạch đô thị môi trường thích ứng với BĐKH toàn cầu” (dự án đã có báo giữa kỳ, dự kiến đến tháng 6/2013 sẽ hoàn thành); Đề án “Chiến lược TP.HCM phát triển hướng ra biển Đông thích ứng với BĐKH”; và các kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trong lĩnh vực xây dựng công trình và vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011-2015...
Các dự án này đều có những biện pháp giảm phát thải khí nhà kính thông qua khuyến khích sử dụng hiệu quả năng lượng và tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, lồng ghép BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án ưu tiên, thực hiện chiến lược quản lý thiên tai... sẽ giúp thành phố giảm thiểu BĐKH hoặc thích ứng một cách hiệu quả hơn.
Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn khi triển khai các dự án xanh
Cũng nằm trong kế hoạch giúp thành phố ứng phó với BĐKH và nguy cơ ngập lụt có thể xảy ra, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP. HCM có kế hoạch tài trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp khi triển khai thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng hoặc dự án xanh, góp phần thúc đẩy thành phố phát triển bền vững. Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC - HCMC) sẽ là đơn vị thực hiện chương trình khảo sát và tư vấn cho doanh nghiệp về chương trình này.
Theo đó, ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc ECC – HCMC, cho biết mức kinh phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp sẽ dựa trên nguyên tắc doanh nghiệp khác nhau về quy mô sẽ có mức hỗ trợ khác nhau từ 30–50% trên tổng kinh phí kiểm toán (nhưng không quá 50 triệu đồng/doanh nghiệp). Chương trình sẽ hỗ trợ cho 30 doanh nghiệp có các dự án tiết kiệm năng lượng hiệu quả nhất với dự toán kinh phí là 1.170.000.000 đồng.
Các đối tượng được hỗ trợ kinh phí sẽ là các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM kinh doanh trong các lĩnh vực: khách sạn, bệnh viên, trường học/thư viện, cao ốc văn phòng hoặc trung tâm thương mại/siêu thị.
Thời gian áp dụng chương trình hỗ trợ đến tháng 12/2011.
Các lãnh đạo bộ, ban ngành TP.HCM cam kết triển khai, thực hiện và quản lý, giám sát có hiệu quả các dự án, công trình xây dựng, tiết kiệm năng lượng nhằm quy hoạch đô thị thành phố một cách hiệu quả nhất, giúp thành phố phát triển bền vững để ứng phó với những thách thức của BĐKH. Dự kiến quy hoạch thành phố sẽ hoàn thành vào năm 2030 với tầm nhìn đến năm 2050.