Làng Việt cổ - Cố Viên Lầu nằm trong quần thể khu du lịch Tam Cốc – Bích Động ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Với diện tích 21.000m2, Cố Viên Lầu nằm trọn vẹn trong dãy núi đá hình cánh cung: phía Đông giáp đường vào đền Thái Vi, phía Tây giáp dòng sông Ngô Đồng, phía Nam giáp bến đò Tam Cốc, phía Bắc giáp thung lũng Cửa Quèn. Thiên nhiên ban tặng cho Cố Viên Lầu một vùng khí hậu mát về mùa hè, ấm về mùa đông.
Chị Lê Thị Thu Huệ - hướng dẫn viên làng Việt cổ - Cố Viên Lầu cho biết: chủ nhân của Cố Viên Lầu - ông Nguyễn Minh Thoa, một người đam mê sưu tầm cổ vật đã nói rằng: lý do duy nhất khiến ông dựng Cố Viên Lầu nhằm gìn giữ, lưu truyền nét văn hóa của dân tộc.
Cố Viên Lầu tạo nên vóc dáng của một làng quê cổ kính, với những nếp nhà Việt cổ giữa núi non hùng vỹ và sông nước hài hòa, tạo nên một không gian thân quen của làng quê Bắc bộ. Cố Viên Lầu hiện đang trưng bày và bảo tồn 22 ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi, hàng ngàn cổ vật có giá trị văn hóa gắn liền với lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam xuyên suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Những căn nhà cổ từ nhiều làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ “tụ hội” trên một khuôn viên rộng. Nhà cổ cùng tủ chè, sập gụ, tràng kỷ... có niên đại từ thế kỷ 18 – 20 đặc trưng cho vùng cư dân trồng lúa nước thuộc đồng bằng Bắc bộ và nhiều vùng, miền như Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình... đã được phục dựng nguyên gốc, mang đậm dấu ấn văn hóa của từng địa phương, với những đường nét chạm khắc hoa văn tinh tế, sinh động, mỗi căn nhà đều được giới thiệu khá chi tiết về lịch sử.
Đáng chú ý, sát sườn núi là một hồ sen, giữa hồ được xây dựng một công trình thủy tọa rất thơ mộng, mang tên Nghênh Tân Các, được sưu tầm tại vùng Cấm Sơn, cất dựng vào năm Kỷ Mão, cuối đời vua Gia Long, lộng lẫy nằm trên một hồ nước. Toàn bộ Nghênh Tân Các như một búp hoa sen. Đường vào Lầu là 3 chiếc cầu có tên Thiên - Địa - Nhân... Đặc biệt, trong mỗi nhà cổ là nơi trưng bày nhiều cổ vật có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, gắn liền với đời sống của người dân Việt Nam, thuộc các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần đến triều Nguyễn, đồ đá, đồ đồng, đồ sắt, đồ gốm sứ, đồ gỗ…
Một số ngôi nhà cổ 5 gian đã được cải tạo lại, hai gian ở hai đầu làm phòng nghỉ, có công trình phụ khép kín để phục vụ khách tham quan. Trong 26 phòng nghỉ của Cố Viên Lầu, du khách được nghỉ ngơi trong những nếp nhà xưa cũ, yên bình, chiêm ngưỡng những kỷ vật quý giá và được hòa mình vào những trò chơi dân gian, thưởng thức những làn điệu dân ca, những món ăn dân dã mang đậm nét truyền thống của người dân Việt.
Bước qua chiếc cổng làm bằng gỗ Lim gần 200 năm tuổi, dạo qua những bậc đá, những tảng đá hồng có tác dụng chấn trạch, người ta có cảm giác như bước vào một làng cổ của vùng đồng bằng Bắc bộ cổ kính, nơi có giếng làng, chợ quê, cối xay lúa, những khoảng đất để chơi bi, đánh đáo, đu quay, có chỗ để nghe hát chèo, hát quan họ, có nơi để giã gạo đêm trăng, hội hè, những nếp nhà cổ nằm trầm mặc trong lãng đãng hơi sương. Mỗi ngôi nhà đều mang trong nó những câu chuyện.
Làng Việt cổ Cố Viên Lầu là một quần thể những ngôi nhà mái ngói cổ, đại diện cho các vùng: Gia Viễn, Nga Sơn, Khánh Hòa… được sưu tầm, phục dựng từ những ngôi nhà cột gỗ cổ, nguyên bản ở các miền quê trong cả nước. Bên trong những ngôi nhà, cổ vật được xếp đặt công phu, bài bản theo chủng loại: nhà đồ đá cổ đại, nhà đồ đồng Đông Sơn, nhà đồ gốm Lý, Trần, Lê…, được giám định, phân chia thành từng khu theo mẫu mã, niên đại, để ta dễ nhận biết được giá trị văn hóa từng thời kỳ.
Nếp nhà xưa
Nhà cổ Ý Yên (1883) trưng bày bộ sưu tập đời Lý thế kỷ 12 – 13 gồm: đĩa, bát, âu, thạp men ngọc, men nâu, men tam thái… Mỗi chủng loại cùng niên đại được bày trong một tủ, nhưng dáng kiểu, to, nhỏ khác nhau thể hiện sự sáng tạo phong phú của người thợ thủ công một thời. Nhà cổ Thọ Xuân trưng bày bộ sưu tập chóe rồng thời Gia Long (1802) với hơn 100 chiếc không giống nhau, có chiếc độc nhất vô nhị trên thương trường.
Trong làng Việt cổ - Cố Viên Lầu có cả một góc giới thiệu về nét đặc trưng của làng cổ nông thôn Việt Nam xưa. Đặc biệt ngôi nhà đất, được phục chế nguyên bản từ ngôi nhà cổ mang hình ảnh kiến trúc nhà của tầng lớp bần nông nông dân Việt Nam đầu thế kỷ 19. Khác với cầu kỳ của nhà gỗ, là khu nhà đất ba gian chính và hai gian buồng, mái bằng lá, nền đất sét, vật liệu chủ yếu của những nhà này là đất, rơm rạ, kết hợp với tre, luồng. Nhà có một cửa chính và hai cửa sổ bằng tre. 3 gian chính kê chõng tre, rường ổ. Trong sân là đụn rơm cao ngất, một chiếc chum đựng nước, một chiếc đơm đặt cá, chiếc cối đá. Bao quanh là rào tre thưa thớt, một vườn rau… những dụng cụ gia đình cũng như dụng cụ nhà nông đặt ở hiên nhà.
Đình làng - dấu ấn quen thuộc của mỗi người dân Việt. Đình cổ Thanh Liêm, được sưu tập tại huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, nằm tại trung tâm của làng Việt cổ Cố Viên Lầu với diện tích hơn 100m2. Trên mái là những đầu đao cong vút - nét đặc trưng trong kiến trúc đình làng. Ngoài lớp ngói vảy cá phía trên, bên dưới được trải lớp ngói chiếu mang hình chữ "Thọ". Chống đỡ mái đình là 28 cột lim đường kính 75 - 85cm được kê trên những tảng đá xanh chống ẩm thấp và xâm nhập của mối mọt. Trên những thớ gỗ được các nghệ nhân tài ba đục, chạm những đường nét hoa văn tinh xảo, sống động mà chủ yếu là những bức tranh bốn mùa mang đầy ý nghĩa như: Tùng - Lộc với ý nghĩa vững mạnh lâu dài. Hiện đình là nơi giao lưu của du khách đến Cố Viên Lầu... Còn bao ngôi nhà khác nữa đang mời bạn đến thăm và khám phá.
Với kiến trúc độc đáo, hài hòa giữa bảo tồn văn hóa dân tộc và phát triển du lịch, Cố Viên Lầu đã giới thiệu với bạn bè trong nước và quốc tế hình ảnh nhiều làng quê Việt Nam cùng các phong tục, tập quán, các địa phương độc đáo.
Làng Việt cổ - Cố Viên Lầu là hình ảnh thu nhỏ của những làng quê Bắc bộ - Việt Nam, của những giá trị dân gian truyền thống, một điểm nhấn mang nhiều dấu ấn nối tiếp giữa cổ xưa và hiện tại.
Bài: Hồ Sĩ Tá, ảnh: Thế Phi