Tư duy mới về giá trị kinh tế của hệ sinh thái

Cập nhật: 29/06/2011
Hội nghị khu vực Đông Nam Á về Kinh tế học của Đa dạng sinh học và các hệ sinh thái hướng tới nền kinh tế xanh với sự tham gia của 11 nước và vùng lãnh thổ đã khai mạc hôm qua, 28-6 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Hứa Đức Nhị

Đánh giá Thiên niên kỷ về Hệ sinh thái (WRI 2005) chỉ ra rằng có tới 2/3 các dịch vụ của hệ sinh thái hiện đang bị suy giảm hoặc được sử dụng không bền vững, và có vẻ như quá trình suy giảm này vẫn tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh hơn trong vài thập kỷ tới. Điều này có nghĩa rằng những lợi ích của đa dạng sinh học không được xét đến trong kế hoạch kinh tế và tài chính, hay được thể hiện đúng đắn trong các chính sách, giá cả và thị trường.

Kinh tế học của Đa dạng sinh học và các hệ sinh thái hướng tới nền kinh tế Xanh (TEEB) là một sáng kiến quốc tế tập trung vào việc thu hút sự chú ý vào những lợi ích kinh tế mang tính toàn cầu của đa dạng sinh học. Nó nêu bật chi phí ngày càng tăng do mất đa dạng sinh học và suy giảm hệ sinh thái cũng như những lợi ích của việc bảo tồn và sử dụng bền vững. Ngoài ra, TEEB còn nghiên cứu đề xuất những công cụ kinh tế và xây dựng các chính sách nhằm đưa giá trị vào thực tiễn phù hợp.

Báo cáo hoàn chỉnh Nghiên cứu TEEB đã được quốc tế công nhận tại Hội nghị các nước thành viên của Công ước Đa dạng sinh học lần thứ 10 tại thành phố Nagoya, Nhật Bản năm 2010.

Hội nghị lần này đã trình bày những kết nối giữa TEEB và Nền kinh tế xanh tại Đông Nam Á, nhằm trao đổi kinh nghiệm và kiến thức về việc sử dụng các công cụ kinh tế đối với đa dạng sinh học và các hệ sinh thái, thảo luận những nhu cầu và khả năng cho việc phát triển và thực thi TEEB, nhận định những cơ hội và sử dụng các công cụ kinh tế và các cơ chế để gắn kết đa dạng sinh học và các dịch vụ về hệ sinh thái trong kế hoạch phát triển, hỗ trợ phát triển hệ thống của TEEB, hỗ trợ kỹ thuật cho việc khởi đầu và phát triển các sáng kiến có liên quan tới TEEB tại khu vực Đông Nam Á.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam hiện đã quy hoạch 16,2 triệu ha cho phát triển rừng, chiếm hơn 50% diện tích tự nhiên của cả nước, trong đó diện tích rừng đã có hơn 13,5 triệu ha, còn lại là diện tích rừng phục hồi nhưng chưa thành rừng theo tiêu chí rừng Việt Nam, một số diện tích chưa có rừng và một số diện tích đang được canh tác.

Theo Thứ trưởng, bảo vệ và phát triển rừng bền vững cũng chính là bảo đảm cho việc bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái tự nhiên. Tuy nhiên, việc này luôn đứng trước những thách thức to lớn, nhất là đối với những nước đang phát triển như ở Việt Nam, nơi phần lớn dân cư vẫn phải dựa vào canh tác nông nghiệp, dựa vào đất đai là chính, và rừng và cây lâm nghiệp luôn không có sức cạnh tranh so với các cây trồng nông nghiệp khác.

Gần đây, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã thực sự là cách tiếp cận mới về cơ chế thực hiện bảo vệ và phát triển rừng bằng cách tiếp cận bước đầu về kinh tế.

Ông Nhị cũng cho rằng, TEEB là vấn đề mới mẻ và hy vọng hội nghị không chỉ giải thích các khái niệm mà còn chỉ ra những cách thức để đưa sáng kiến này vào cuộc sống. “Chúng ta cũng hy vọng những vấn đề này được đưa ra và được chấp nhận rộng rãi ở quy mô toàn cầu, vì vốn dĩ đa dạng sinh học luôn có lợi ích mang tính toàn cầu”, ông nói.

Hội nghị diễn ra trong hai ngày từ ngày 28 và 29-6, với sự tham gia của hơn 130 đại biểu, trong đó có khoảng 60 đại biểu quốc tế, chủ yếu đến từ các nước khu vực Đông Nam Á và các chuyên gia quốc tế.

 

Nguồn: NhanDan