Nhận thức tầm quan trọng và lợi thế của địa phương về phát triển kinh tế biển, trong các nhiệm kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều nghị quyết, chương trình về phát triển kinh tế biển. Năm 2006, Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình kinh tế biển giai đoạn 2006 -2010, là một trong 10 Chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh, năm 2007, ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2020 đưa Khánh Hòa trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước giàu mạnh”.
Quán triệt và thực hiện tinh thần đó, những năm qua Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực khai thác và phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, nhất là các lĩnh vực dịch vụ hàng hải, du lịch biển, đảo với cơ cấu ngành, nghề phong phú, từng bước hiện đại. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường; tăng cường hợp tác quốc tế, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút được nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước, với vốn đăng ký khoảng 15,31 tỷ USD. Trong đó, cảng trung chuyển container quốc tế giữ vai trò chủ đạo, kết hợp kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, Khu kinh tế đang thu hút nhiều dự án với tổng vốn đầu tư lớn và có tính khả thi cao như: Trung tâm Điện lực Vân Phong có tổng vốn đầu tư 3,8 tỷ USD, Tổ hợp lọc hóa dầu 4,8 tỷ USD; kho xăng dầu ngoại quan; khu căn cứ dịch vụ hậu cần dầu khí… Việc đầu tư và phát triển Khu kinh tế Vân Phong có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh cũng như khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Thành phố Nha Trang với mục tiêu xây dựng thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và là trung tâm tổ chức các sự kiện có ý nghĩa của quốc gia và quốc tế; là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật và giáo dục đào tạo của vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Nơi đây đã diễn ra các hội nghị chuyên đề của quốc gia và quốc tế; tổ chức thành công nhiều cuộc thi hoa hậu Việt Nam, thế giới và Festival Biển… Khai thác và đưa vào sử dụng các khu du lịch nổi tiếng trong nước và thế giới.
Huyện đảo Trường Sa có ý nghĩa rất lớn về các mặt: chủ quyền quốc gia; an ninh quốc phòng; tài nguyên biển phong phú, đa dạng; có nhiều tiềm năng trong việc phát triển kinh tế biển như nuôi trồng, khai thác hải sản, chế biến thủy sản, khai thác hàng hải, dầu khí, dịch vụ hậu cần nghề cá. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục huy động vốn đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp và nhân dân cả nước cùng chung tay góp sức phát triển một số hạ tầng như khu dịch vụ hậu cần hải sản, chế biến hải sản tại các đảo của huyện Trường Sa… để phục vụ cho người dân trên các đảo và lực lượng tàu thuyền trong đất liền ra khơi đánh bắt hải sản, nhằm giảm bớt chi phí và tăng thu nhập cho người dân, đồng thời triển khai xây dựng một số hạ tầng phúc lợi xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân trên đảo.
Thực hiện Chương trình phát triển kinh tế biển của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2006 -2010, sau 5 năm thực hiện, so sánh với các chỉ tiêu đề ra Chương trình đã thu được những kết quả khả quan: tỷ lệ GDP kinh tế biển chiếm 29% so với GDP toàn tỉnh; hệ thống cảng biển tổng hợp được hình thành và hoàn thiện như: Cảng Cam Ranh tiếp nhận tàu có trọng tải 30.000 tấn, Cảng Nha Trang tiếp nhận được tàu có trọng tải 20.000 tấn; hình thành phát triển hơn 10.000 phương tiện đánh bắt thủy sản, với công suất trên 340.000CV trong đó có hơn 700 tàu có công suất từ 90 đến hơn 400CV; hoạt động nuôi trồng thủy sản đã trở thành một ngành xuất khẩu hàng hóa tập trung, có diện tích nuôi trồng 5.000 ha; với đối tượng nuôi đa dạng đem lại sản lượng trên 24.000 tấn/năm.
Khánh Hòa có 44 xưởng chế biến thủy sản xuất khẩu, trong đó 22 phân xưởng chế biến đạt tiêu chuẩn vào thị trường Châu Âu, hàng năm đã chế biến trên 58.000 tấn thủy sản, mang lại lượng kim ngạch hơn 300 triệu USD, chiếm tỷ lệ trên 50% giá trị xuất khẩu của tỉnh.
Với những nỗ lực đó, kinh tế biển nói riêng, kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung phát triển khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương đạt tương đối cao và ổn định trong nhiều năm. Khánh Hòa là một trong các tỉnh thành có số thu ngân sách lớn nhất cả nước năm 2010, thu ngân sách 8.200 tỷ đồng, đóng góp đáng kể cho ngân sách Trung ương. Trong cơ cấu kinh tế, lĩnh vực du lịch - dịch vụ chiếm tỷ lệ cao (43,5%).
Phát huy những kết quả đạt được, những năm tới tỉnh huy động tối đa nội lực khai thác tiềm năng, lợi thế biển đảo trên địa bàn một cách đồng bộ, hiệu quả và bền vững, đưa kinh tế biển và ven biển chiếm tỷ lệ cao trong GDP toàn tỉnh; giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên biển đảo; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống nhân dân vùng biển, ven biển nói riêng, nhân dân cả tỉnh nói chung góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra./.