Vĩnh Phúc: Bảo vệ và phát triển rừng quốc gia Tam Ðảo

Cập nhật: 08/07/2011
Với diện tích 34.995 ha, bao gồm 26.163 ha rừng, với 1.282 loài thực vật và 163 loài động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm, rừng Tam Ðảo là tài sản quốc gia vô giá, do vậy việc bảo vệ và phát triển rừng ở đây luôn được coi trọng.

Phát triển rừng gắn với du lịch

Là một địa chỉ du lịch hấp dẫn, Tam Ðảo trở thành điểm đến của đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, du lịch càng phát triển thì công tác phát triển rừng ở đây càng trở nên cấp thiết nhằm bảo vệ nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm cùng những cảnh đẹp kỳ thú, môi trường trong lành  mà Tam Ðảo đang được thừa hưởng từ thiên nhiên.  Từ năm 1996 đến năm 2010, Tam Ðảo đã tổ chức trồng và chăm sóc được 5.663 ha rừng, khoanh nuôi và phục hồi rừng tự nhiên được hơn 1.700 ha, đưa tổng số diện tích rừng của Vườn quốc gia lên gần 30 nghìn ha và độ che phủ của rừng đạt gần 87%, tăng 26% so với năm 1996, thời điểm mới thành lập. Ngoài ra, Ban quản lý còn tổ chức khoán bảo vệ 11.350 ha rừng cho 174 hộ gia đình, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân tại đây.

Theo Phó Tổng cục trưởng Lâm nghiệp TS Hà Công Tuấn, khó khăn trong quản lý rừng ở Tam Ðảo có những đặc thù riêng. Tại đây, phần lớn người dân sống bằng nghề nông, để phát triển kinh tế gia đình, nhiều người dân đã tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch một cách tự phát, gây khó khăn trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Nhận thức được vấn đề này, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tam Ðảo phối hợp chính quyền địa phương hỗ trợ phát triển kinh tế cho người dân vùng đệm, tạo công ăn việc làm ổn định, thực hiện việc giao đất, giao rừng cho họ; cùng với nông dân tìm cách phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế gia đình. Mặt khác, Vườn Quốc gia Tam Ðảo có diện tích rộng, trải dài trên địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ nguyên vẹn các hệ sinh thái, bảo vệ nguồn gien các loài động vật, thực vật quý hiếm, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tham quan du lịch, Ban quản lý vườn còn tổ chức công tác tuyên truyền, tổ chức, khai thác các hoạt động du lịch và góp phần ổn định, nâng cao đời sống của nhân dân.

 

Tăng cường công tác bảo vệ rừng

Hiện tại, trong vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Ðảo có hơn 200 nghìn dân, sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong khi ý thức của người dân còn thấp, đất nông nghiệp ít, sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên nên không ít người dân phải sống dựa vào khai thác tài nguyên rừng. Lực lượng kiểm lâm thiếu người, trang thiết bị, phương tiện hạn chế đã gây những khó khăn đáng kể cho công tác bảo vệ rừng. Ban quản lý, một mặt phối hợp tốt với chính quyền các địa phương tạo công ăn việc làm cho người dân, mặt khác, nâng cao diện tích độ che phủ của rừng, phát triển đa dạng sinh học, cứu hộ động vật, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng mới. Theo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tam Ðảo, rừng ở đây luôn phải đối mặt với các thách thức từ nguy cơ cháy rừng, khai thác khoáng sản trái phép, chiếm đất rừng để phát triển dân sinh. Do đó, bên cạnh việc nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ kiểm lâm và cán bộ quản lý, tăng cường phối hợp chính quyền các địa phương, tổ chức đoàn thể xã hội theo dõi, nắm bắt tốt tình hình và mọi diễn biến trên địa bàn, Vườn Quốc gia Tam Ðảo còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ và chăm sóc rừng, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.

Ðể tạo thuận lợi cho công tác bảo vệ rừng, nhằm đưa dân ra khỏi Vườn quốc gia Tam Ðảo, mới đây UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp ngành lâm nghiệp di chuyển các hộ gia đình tại các xã Ðạo Trù, Ðại Ðình, Tam Quan thuộc huyện Tam Ðảo đến nơi ở mới, tỉnh cũng thực hiện các biện pháp giúp người dân nhanh chóng ổn định đời sống, có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm và không lệ thuộc vào khai thác tài nguyên rừng; giúp các ngành chức năng chăm sóc và bảo vệ rừng ngày càng có hiệu quả. Di dân ra khỏi Vườn Quốc gia Tam Ðảo là một chủ trương lớn, phức tạp và đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao. Làm được việc này nói lên sự nỗ lực của chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc, Tổng cục Lâm nghiệp và Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tam Ðảo trong việc bảo tồn và phát triển giá trị bền vững từ rừng, nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân sống tại đây và cộng đồng xã hội.

Vườn quốc gia Tam Ðảo đến nay đã phục hồi xanh tốt, nạn cháy rừng, chặt phá rừng được ngăn chặn. Rừng ở đây đã phát huy tốt cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường sống, cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân, bảo tồn đa dạng sinh học, là nơi nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái cho mọi người. Từ những hành động thiết thực, đã tuyên truyền và huy động được mọi thành phần, đối tượng cả trong và ngoài nước tham gia bảo vệ và phát triển rừng, từ đó làm thay đổi nhận thức của người dân, giúp họ có ý thức bảo vệ rừng để rừng phục vụ lại chính họ và cộng đồng xã hội.

 

Nguồn: Nhân dân