''Bửu bối'' khu dự trữ sinh quyển

Cập nhật: 12/07/2011
Dưới áp lực từ các hoạt động kinh tế do phải đáp ứng nhu cầu phát triển, các vấn đề môi trường cũng nghiễm nhiên trở nên nghiêm trọng, đe dọa các nguồn tài nguyên, đặc biệt tài nguyên đất và nước, làm giảm đi đáng kể tính đa dạng số loài động thực vật, cảnh quan và các hệ sinh thái.

Đến phiên mình, sự suy giảm đa dạng sinh học lại đang tác động trở lại cuộc sống hàng ngày của con người, biểu hiện trong các vấn đề như vì tài nguyên đất và nước bị đe dọa nên tiềm ẩn nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nguyên liệu cho công nghiệp, xây dựng… Những vấn đề này có thể được hạn chế, hóa giải thông qua các khu dự trữ sinh quyển.

Khu dự trữ sinh quyển chính là mô hình cho phát triển bền vững với phương châm bảo tồn cho phát triển và phát triển để bảo tồn. Ý tưởng xây dựng các khu dự trữ sinh quyển để ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết một trong những vấn đề thực tiễn quan trọng nhất mà con người đang đối mặt hiện nay là phải tạo nên sự cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên với sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, duy trì các giá trị văn hóa truyền thống đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người.

Mục đích chính của các khu dự trữ sinh quyển là nghiên cứu và tìm ra các giải pháp sử dụng đất giúp cho việc nâng cao mức sống của người dân mà không gây hại đến môi trường. Người dân sống trong các khu dự trữ sinh quyển vẫn được phép duy trì các hoạt động kinh tế truyền thống của họ để tạo nguồn thu nhập hàng ngày nhưng phải bằng cách sử dụng các biện pháp kỹ thuật bền vững về môi trường và văn hóa.

Sự phối hợp các biện pháp kỹ thuật với canh tác truyền thống sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn các loài sinh vật bản địa và đó cũng chính là kho lưu trữ nguồn vốn gen di truyền phục vụ cho công tác chọn giống và di sản di truyền cho các thế hệ tiếp sau. Nói cách khác, các khu dự trữ sinh quyển có thể xem như là một phòng thí nghiệm sống, giúp cho việc nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và giám sát các hệ sinh thái đem lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, quốc gia lẫn quốc tế.

Do vai trò, tác động quan trọng và rộng lớn như thế, việc xây dựng các khu dự trữ sinh quyển trở nên bức bách, đồng thời việc phát triển các khu dự trữ sinh quyển đòi hỏi phải đảm bảo tiêu chí bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn và tôn tạo cảnh quan, bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường. Các chuyên gia chỉ ra rằng quan hệ cầu nối giữa bảo tồn và phát triển phụ thuộc vào chính kết cấu các khu chức năng trong khu dự trữ sinh quyển.

Về mặt không gian, mỗi khu dự trữ sinh quyển phải được quy hoạch thành 3 vùng rõ rệt: vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Mỗi khu dự trữ sinh quyển có thể có một hoặc nhiều vùng lõi. Đó là các khu vực dành riêng cho bảo tồn đa dạng sinh học, các hoạt động giám sát, nghiên cứu, giáo dục để mọi người nhận thức sự cần thiết phải tác động tối thiểu tới các hệ sinh thái. Trong khi đó các vùng đệm thường bao quanh vùng lõi, phát triển kinh tế trên cơ sở bền vững sinh thái như du lịch môi trường, giáo dục môi trường.

Cuối cùng, vùng chuyển tiếp nằm ở phía ngoài cùng của khu dự trữ sinh quyển, có vai trò thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, nông nghiệp bền vững, nơi gặp gỡ và cùng làm việc của các nhà khoa học, các cán bộ quản lý, các thành phần kinh doanh, các nhà hoạt động văn hóa… nhằm quản lý và phát triển bền vững nguồn lợi. Một điều đáng chú ý là mặc dù 3 vùng không gian của mỗi khu dự trữ sinh học được cấu trúc theo dạng vòng đồng tâm, nhưng kích thước và bố cục rất mềm dẻo và đa dạng, tùy thuộc vào tình hình đặc thù của mỗi địa phương. Đó chính là điểm cốt lõi của khái niệm khu dự trữ sinh quyển.

Cho đến nay Việt Nam đã có 8 khu dự trữ sinh quyển nằm trong hệ thống dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó có tới 6 khu nằm ở vị trí ven biển - cửa sông, điển hình như khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà, khu đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng, khu Cù lao Chàm - Hội An, khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang… TP.HCM cũng có một khu dự trữ sinh quyển ở Cần Giờ bên cửa sông Sài Gòn - Xoài Rạp với tổng diện tích hơn 71.000 ha và dân số trên 57.000 người. Hệ thống 8 khu dự trữ sinh quyển hiện có này đang góp phần hiệu quả trong đánh giá môi trường chiến lược các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại cả 3 vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước.

 

Nguồn: monre.gov.vn