Bên cạnh sự đa dạng, phong phú và đặc sắc về di sản địa chất, Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) còn nổi bật với nhiều giá trị di sản về đang dạng sinh học.
Theo ông Ma Ngọc Giang, Phó Ban quản lý Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn, các nhà khoa học đã phát hiện ở Cao nguyên đá Đồng Văn có rất nhiều cây dược liệu quý như dẻ tùng sọc nâu, thông tre lá ngắn, hoàng đàn rủ, thông đỏ và một số loài đặc trưng như bạc hà, hà thủ ô đỏ...
Đáng chú ý nhất là cây thông đỏ đã được phát hiện ở Thài Phìn Tủng có đường kính tới 70cm. Đây được xem là cây có đường kính lớn nhất và sống lâu năm nhất ở khu vực phía bắc Việt Nam tính đến thời điểm này cùng với một số loài cây đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam và được xếp ở cấp hiếm như cây Tùng La hán, cây Đỉnh tùng, cây bảy lá một hoa...
Tuy nhiên, thời gian gần đây trên địa bàn các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn xuất hiện tình trạng bà con dân tộc thiểu số vào rừng đào bới lấy cây Tùng La hán mang đi bán, từ những cây to cả người ôm đến những cây con.
Mới đây, Hạt Kiểm lâm huyện Mèo Vạc đã thu giữ được một số cây Tùng La hán tại địa bàn thôn Pả Vi Thượng, xã Pả Vi.
Theo các nhà khoa học, Tùng La hán là nguồn gen quý hiếm trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Để bảo vệ cây Tùng La hán và các loại cây dược liệu quý trên Cao nguyên đá Đồng Văn, các cơ quan chức năng Hà Giang cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời tình trạng khai thác trái phép trên./.