Huyện vùng cao Nà Hang, Tuyên Quang có 12 dân tộc anh em cùng chung sống, mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa đặc sắc riêng, tạo nên thế mạnh góp phần quan trọng đưa hoạt động du lịch của huyện ngày càng phát triển.
Từ đầu năm đến nay, huyện Nà Hang đã thu hút trên 5.000 lượt du khách. Để tạo nên ấn tượng riêng của du lịch Nà Hang, đồng thời duy trì và phát triển giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, những năm qua, Phòng Văn hóa Thông tin, Trung tâm Văn hóa Thể thao, Ban quản lý khu du lịch sinh thái Nà Hang và nhiều cơ quan liên quan đã tổ chức cho cán bộ về các bản làng tìm hiểu, sưu tầm, học hỏi, duy trì và khôi phục những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Đến nay, huyện đã sưu tầm được gần 100 bài hát then, páo dung, quan làng... Bên cạnh đó, việc duy trì các nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Dệt thổ cẩm, làm cốm, làm bánh chuối… cũng đang được huyện quan tâm khôi phục, giữ gìn và phát triển.
Cảnh đẹp của vùng Nà Hang (Tuyên Quang).
Việc tổ chức các lễ hội đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc sau những ngày lao động vất vả, nhọc nhằn; thu hút du khách đến tham quan du lịch và khẳng định sự độc đáo trong văn hóa của các dân tộc ở Nà Hang. Đây cũng là dịp để văn hóa các dân tộc có dịp ăn sâu vào trong tâm thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Ông Lộc Minh Tân, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Nà Hang cho biết: Mấy năm trở lại đây, các lễ hội được chú trọng phát triển chiều sâu, nhằm tái hiện bức tranh đa dạng trong văn hóa sinh hoạt, tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào các dân tộc Mông, Tày, Dao, Nùng… Vì vậy, các hoạt động trình diễn trang phục truyền thống, ẩm thực của các dân tộc, hội diễn văn nghệ quần chúng đều thu hút được sự tham gia của đông đảo nghệ nhân, diễn viên và quần chúng nhân dân.
Bên cạnh đó, các trường học, trong đó nổi bật là trường THPT Dân tộc nội trú Nà Hang đã tổ chức các trò chơi văn hóa dân gian, duy trì, khơi dậy ý thức tự hào và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Em Sùng Kim Oanh, dân tộc Mông ở thôn Phiêng Thốc, xã Sinh Long chia sẻ: “Em “mê” và gắn bó với các giá trị văn hóa của dân tộc, nhất là các làn điệu dân ca Mông. Để thuộc những bài dân ca của dân tộc, ngoài việc học từ mẹ, từ những người có tuổi quanh bản, quanh xã, em còn mua đĩa CD về để học”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ninh Thái, Chủ tịch huyện Nà Hang cho biết: Việc khôi phục và giữ gìn nét đẹp văn hóa các dân tộc thiểu số đang được huyện đặc biệt quan tâm. Và phát triển du lịch được xem là một nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của huyện trong thời gian tới.
Khiếu Thư