Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội: Mở ra cơ hội cho người nghèo và phụ nữ

Cập nhật: 01/08/2011
Du lịch có trách nhiệm sẽ tạo cơ sở để ngành Du lịch đạt hiệu quả cao hơn, có tính cạnh tranh và bền vững hơn, đồng thời quan tâm hơn đến vấn đề bình đẳng giới, mở ra nhiều cơ hội cho người nghèo và phụ nữ, đảm bảo sự tham gia của cộng đồng dân tộc thiểu số.

Đây là mục tiêu của dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (ESRT) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ. Ngày 28.7, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) và UBND tỉnh Hà Giang đã phối hợp tổ chức hội thảo xây dựng kế hoạch và triển khai dự án này.

Ngân sách của dự án là 12,1 triệu euro, trong đó EU đóng góp 11 triệu euro và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 1,1 triệu euro được thực hiện từ năm 2011- 2015.

Theo ông Vũ Quốc Trí, Giám đốc Dự án ESRT, ngoài việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, dự án còn cung cấp nhiều dịch vụ du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Với 28 hoạt động chính ở 3 hợp phần: hỗ trợ chính sách và tăng cường thể chế; năng lực cạnh tranh sản phẩm và quan hệ đối tác công - tư; giáo dục và đào tạo nghề, chương trình kỳ vọng sẽ làm thay đổi phần lớn cách làm và chất lượng du lịch ở những tỉnh miền núi phía Bắc và thực hiện thành công Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam.

Nhận thức về du lịch và tầm quan trọng của ngành này trong nền kinh tế quốc dân dù đã có nhiều thay đổi nhưng đến nay vẫn chưa được hiểu một cách đúng đắn.

Hầu như cả người dân lẫn quan chức nhiều nơi đều cho rằng đây là “ngành ăn chơi, tiêu pha, nhàn rỗi...”. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, “du lịch chưa phát triển, văn hóa, phong tục tập quán, cảnh quan thiên nhiên, di tích di sản còn giữ được, có du lịch rồi, mất hết”.

Trong khi đó, trong nhiều năm trở lại đây, du lịch luôn đứng trong số 5 ngành hàng xuất khẩu, dịch vụ có thu nhập cao nhất. Năm 2011, ngành Du lịch dự kiến doanh thu 110.000 tỉ đồng (chiếm 4,5% GDP).

Vì thế, chương trình ESRT được thiết kế để lồng ghép các hoạt động du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội vào tất cả các khía cạnh của chính sách, quy hoạch, quản lý điểm đến, hoạt động kinh doanh, giáo dục và nâng cao nhận thức về du lịch ở cấp quốc gia, khu vực và tỉnh, thành.

Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý du lịch từ trung ương đến địa phương sau khi hưởng lợi từ dự án phải có đủ năng lực trong việc hoạch định chính sách, quy hoạch và quản lý du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Tính hiệu quả của mối quan hệ đối tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân trong hoạt động du lịch được nâng cao. Hệ thống đào tạo nghề du lịch, bao gồm hệ thống Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam (VTOS) tiếp tục được duy trì và mở rộng.

Hiện nay, trong số các tỉnh miền núi phía Bắc, Hà Giang đang có lợi thế lớn là một điểm đến mới, văn hóa đa dạng và cảnh quan thiên nhiên cực kỳ hùng vĩ. Việc tham gia vào dự án EU lần này sẽ là cơ hội để Hà Giang phát triển các thế mạnh về du lịch của mình và quảng bá Hà Giang ra thế giới qua hình ảnh Công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam- công viên đá Đồng Văn.

Giống như nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước, hiện nay Hà Giang đang phải chịu nhiều sức ép giữa việc phát triển kinh tế, xã hội, sinh sống của người dân, biến đổi khí hậu... và bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường, cảnh quan.

Đâu đó ở công viên đá Đồng Văn vẫn còn những cảnh khai thác đá làm đường, làm nhà của người dân. Những cảnh tượng ấy chỉ có thể thay đổi hoặc ít đi khi ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân được nâng cao. Và họ, những người dân bản địa, với ý thức và hành động của mình, có thể quyết định sự yếu kém hay mạnh mẽ của du lịch của mảnh đất mình đang sống.

Các chuyên gia của EU cho rằng, Việt Nam hiện nay có nhiều loại hình du lịch khác nhau có thể lồng ghép để mang lại lợi ích cho người dân vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số và phụ nữ.
Du lịch hiện vẫn được xác định là ngành có thể có bứt phá ngoạn mục trong khu vực dịch vụ.

Chương trình ESRT sẽ tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân nhiều tỉnh của Việt Nam. Thông qua việc xây dựng khung chính sách hiệu quả, dự án sẽ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của Việt Nam, phục vụ phát triển du lịch bền vững.

Ngày 29.7, các chuyên gia EU, lãnh đạo Tổng cục Du lịch, đại diện các tỉnh, thành sẽ khảo sát 4 huyện của Hà Giang là Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc để đánh giá xác thực hơn về sự tham gia của cộng đồng, người dân tộc thiểu số và phụ nữ trong phát triển du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng ở Hà Giang.

Đinh Hải Anh

 

Nguồn: Báo Văn hóa