Thượng tá Lê Minh Châu, Trưởng phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) - Công an tỉnh Bình Dương thừa nhận: “Việc Sở Tài nguyên và Môi trường đưa vào hệ thống quan trắc nước thải tự động và camera theo dõi nguồn nước thải tại các Khu công nghiệp, doanh nghiệp có lượng thải trên 2.000m3/ngày đêm là một tín hiệu đáng mừng."
Tuy nhiên, theo thượng tá Châu, doanh nghiệp vẫn tìm cách đối phó để xả trộm, xả vượt chuẩn mà không bị phát hiện. Thượng tá Châu nói rõ hơn việc lắp đặt hệ thống trên chỉ giúp cơ quan chức năng quan trắc, quan sát ở một vị trí, một tầm nhìn cố định. Trong khi doanh nghiệp tìm cách chạy đường cống khác, thông ống ngầm để "né" thiết bị quan trắc, camera.
Điển hình, ngày 4/8, bất ngờ kiểm tra Công ty trách nhiệm hữu hạn Nan Pao đóng tại Khu công nghiệp Sóng Thần II, thị xã Dĩ An, Bình Dương, lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện hệ thống cống nước nằm bên ngoài khuôn viên nhà máy chảy nước đen xối xả ra hệ thống nước mưa.
Sau khi làm rõ, Công ty Nan Pao thừa nhận nguồn nước sản xuất (được xử lý loại B) bị chảy tràn ra bên ngoài. Điều đáng nói, tuy xử lý đạt loại B nhưng nguồn nước này buộc đấu nối vào hệ thống thu gom của nhà máy xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Sóng Thần II xử lý đạt loại A và doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí cho khâu xử lý sau cùng này. Nan Pao cố tình “xả trộm,” cho nước chảy tràn lan ra cống nước mưa để trốn tránh, giảm chi phí xử lý nước.
Theo chân cảnh sát môi trường nhiều tháng qua, phóng viên đã chứng kiến cảnh sát môi trường lật tung các hố ga, nắp cống và đã tìm ra nhiều vụ “xả lén” tại doanh nghiệp, chặn đứng hàng ngàn m3 nước sản xuất công nghiệp chưa qua xử lý thải ra môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Cách đây chưa lâu, lực lượng cảnh sát môi trường - Công an Bình Dương “đột kích” kiểm tra môi trường Công ty trách nhiệm hữu hạn Fotai Việt Nam tại khu phố 9, phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một, bắt quả tang xả lén hàng trăm m3 nước thải chưa qua xử lý ra hệ thống nước mưa. Điều đáng nói, khi đoàn kiểm tra đến, nhân viên của Công ty này vội lấy một bao tải che miệng cống hòng qua mặt các cơ quan chức năng.
Hơn 10 năm hoạt động, Công ty Fotai sản xuất trong lĩnh vực giấy bao bì thải ra một lượng lớn nước thải nhưng không có hệ thống xử lý. Nguy hiểm hơn, nhà máy nằm giữa khu dân cư nên bao nhiêu nước xả ra đều chảy xuống cống nước mưa.
Đối phó trước vấn nạn các nguồn xả, nhất là nạn “xả lén, xả trộm”, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương đã đầu tư 28 tỷ đồng lắp hệ thống quan trắc nước thải tự động và gắn camera theo dõi các nguồn nước thải này.
Tuy nhiên, mới có 6 khu công nghiệp lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động gồm Khu công nghiệp Việt Nam-Sinagpore, Đồng An, Việt Hương I, Sóng Thần I và II, Mỹ Phước I. Ngoài ra, 15 doanh nghiệp có lượng thải lớn 2.000m3/ngày đêm trở lên cũng được lắp trạm quan trắc lấy mẫu tự động gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn Giấy Kraft Vina, Công ty trách nhiệm hữu hạn Giấy Chánh Dương, Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại-dịch vụ Tân Hiệp Phát, Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp Chung Lương Việt Nam, Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp A-B, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Khu công nghiệp Đất Cuốc-khu A, Khu công nghiệp VSIP 2, Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, Khu công nghiệp Đồng An 2, Khu công nghiệp Việt Hương 2, Khu công nghiệp Sóng Thần 3, Khu công nghiệp Đại Đăng.
Theo bà Võ Thị Ngọc Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương, việc đưa vào sử dụng các thiết bị quan trắc nước thải tự động và 21 hệ thống camera theo dõi cho phép quan sát 24/24 giờ quá trình vận hành hệ thống xử lý nước thải và nước xả thải của các doanh nghiệp.
Với 21 thiết bị lấy mẫu nước thải tự động cho phép điều khiển lấy mẫu từ xa; 6 thiết bị quan trắc nước thải tự động có thể đo nhanh các thông số COD, TSS, PH, EC và lưu lượng của nước thải.
Hình ảnh từ các camera giám sát tự động và các số liệu đo đạc được truyền về Trạm điều hành hệ thống quan trắc nước thải tự động do Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) trực tiếp quản lý.
Từ trạm điều hành, cho phép theo dõi hình ảnh vận hành hệ thống xử lý nước thải, chất lượng nước thải sau xử lý của các doanh nghiệp, đồng thời có thể lấy mẫu nước thải từ xa khi chủ nguồn thải xử lý nước thải không đạt quy chuẩn, thì ngay lập tức hệ thống máy điều hành phân tích dữ liệu để xử lý và sẽ công bố ngay đến các doanh nghiệp, khu công nghiệp vi phạm việc xả thải nguồn nước chưa đảm bảo quy chuẩn.
Dự kiến tới đây, Bình Dương triển khai lắp đặt thêm 50 điểm lấy mẫu quan trắc tự động tại 50 doanh nghiệp có lượng xả nước thải lớn để kiểm soát nguồn nước thải ra môi trường chưa qua xử lý.
Theo ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, vận hành hệ thống quan trắc là cần thiết, góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường của tỉnh, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình xả trộm, xả lén. Hệ thống giúp các nhà quản lý môi trường cảnh báo nhanh, giúp chúng ta phát hiện và khắc phục hậu quả kịp thời, nhất là ứng cứu môi trường.
Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng hệ trạm quan trắc nước thải tự động cho các khu công nghiệp và các nguồn thải lớn là một bước tiến lớn trong công tác quan trắc và giám sát nguồn thải tại Bình Dương. Đây là mô hình đầu tiên trong cả nước với hy vọng triển khai hệ thống này nhằm giám sát, theo dõi nguồn xả đạt kết quả./.