Bảo tồn loài gấu: Cần thay đổi từ nhận thức

Cập nhật: 24/08/2011
Hoạt động khai thác mật gấu cũng như các quan niệm truyền thống về sử dụng mật gấu là các yếu tố chính gây nên tình trạng suy giảm về số lượng loài không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước lân cận. Thay đổi nhận thức để giảm nhu cầu sử dụng mật gấu, đóng cửa các trang trại nuôi gấu... có lẽ là phương hướng duy nhất để bảo vệ những cá thể gấu hoang dã cuối cùng của Việt Nam.

22% người Việt Nam đã từng sử dụng mật gấu

 

Người Việt Nam và một số quốc gia tại châu Á đặc biệt ưa chuộng thịt và các sản phẩm chế biến từ động vật hoang dã với lý do sử dụng thịt và sản phẩm từ động vật hoang dã sẽ mang lại "sức mạnh" từ thiên nhiên. Từ đó, nhu cầu tiêu thụ các động vật dũng mãnh như hổ, gấu rất lớn.

 

Hoạt động khai thác mật gấu ở Việt Nam phát triển khá nhanh kể từ cuối những năm 1990 nhờ sự tăng trưởng về kinh tế và mức sống tăng lên rõ rệt, đặc biệt là ở các khu vực thành thị, thu nhập cao của nhiều người dân cho phép họ tiêu dùng những mặt hàng xa xỉ. Theo báo cáo của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, có tới 22% người Việt Nam từng sử dụng mật gấu, Hà Nội có tỷ lệ sử dụng mật gấu cao hơn nhiều so với Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. Hà Nội có tới 35% số người được hỏi đã sử dụng mật gấu, trong khi con số ở TP. Hồ Chí Minh là 16% và Đà Nẵng là 15%.

 

Trong những giai đoạn phát triển đầu tiên của công nghệ chích hút mật gấu ở Việt Nam, người ta phải mổ gấu ra để lấy mật. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra khá phức tạp và mất nhiều thời gian; phải mất một thời gian khá dài để con gấu bình phục lại trước khi phẫu thuật lại để lấy mật. Thêm vào đó, gấu cũng chịu nguy cơ bị nhiễm trùng và biến chứng do phẫu thuật. Hiện nay, quy trình khai thác mật gấu đã phát triển với kỹ thuật tiên tiến, chỉ cần sử dụng một máy siêu âm để định vị túi mật, sau đó người ta sử dụng kim tiêm hút mật trực tiếp. Sử dụng công nghệ này mang lại lợi nhuận cao hơn cho chủ gấu do quá trình hút mật diễn ra khá đơn giản và có thể thực hiện hàng tháng. Ngoài ra, phương pháp này cũng giúp giảm nguy cơ bị nhiễm trùng do không phải phẫu thuật.

 

Trước đây, giá mật gấu tại Việt Nam vào khoảng 10 USD/cc, 5 năm trở lại đây đã giảm xuống chỉ còn từ 1-2 USD/cc. Để đối phó với sự sụt giảm giá trong nước, nhiều chủ trại gấu bắt đầu hướng đến thị trường nước ngoài.

 

Cần xóa sổ "ngành công nghiệp" khai thác mật

 

Gần đây, tình trạng nuôi nhốt gấu và động vật hoang dã trái phép ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng do sự phát triển của thị trường tiêu thụ trong nước. Hiện Việt Nam có khoảng 3.500 cá thể gấu nuôi nhốt, chủ yếu đều có nguồn gốc từ tự nhiên. Các chủ trang trại lớn thường có xu hướng hoạt động dưới sự "bảo trợ" của cơ quan chức năng hoặc của những người có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Số lượng trại gấu với quy mô nhỏ từ 1-2 con vẫn chiếm phần lớn.Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an), tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 3.000 - 4.000 tấn động vật hoang dã được buôn bán trái phép. Các loài động vật bị buôn bán bao gồm rất nhiều loài, từ các loài côn trùng bé nhỏ cho đến các loài thú lớn, từ các loài thông thường cho đến những loài cực kỳ nguy cấp được pháp luật bảo vệ như hổ Đông Dương, gấu ngựa, đồi mồi...

 

Ở Việt Nam, hiện còn rất ít cá thể gấu được ghi nhận còn tồn tại trong tự nhiên. Một số nhà khoa học cho rằng, quần thể gấu trong tự nhiên đã suy giảm nghiêm trọng, chủ yếu do hoạt động buôn bán các bộ phận cơ thể gấu, đặc biệt là túi mật sử dụng cho mục đích làm thuốc đông y. Các thợ săn khi được phỏng vấn trong các cuộc điều tra, khảo sát tại các khu bảo tồn ở miền Trung và miền Nam Việt Nam đều đồng quan điểm với các nhà khoa học về sự vắng mặt và ngày càng khó thấy gấu trong các cuộc đi săn.

 

Hoạt động khai thác mật gấu tồn tại ở Việt Nam bất chấp luật pháp ngăn cấm vì rất nhiều nguyên nhân, trong đó có quan niệm chích hút và sử dụng mật gấu không phải là một hành động trái đạo đức, xuất phát từ truyền thống văn hóa và quan niệm lâu đời về công dụng chữa bệnh của mật gấu. Hơn nữa, các cơ quan chức năng khi phát hiện gấu nuôi nhốt trái phép thường vẫn còn thiếu sự quyết tâm và cam kết lâu dài để xử lý vi phạm theo đúng tinh thần của luật pháp bảo vệ động vật hoang dã.

 

Tương lai của loài gấu ngựa và gấu chó tại Việt Nam đang bị đe dọa bởi tình trạng tiêu thụ và sử dụng mật gấu phổ biến như hiện nay. Gấu tiếp tục bị săn bắt từ tự nhiên, bán cho các trang trại, bị giam trong các cũi sắt chật hẹp chờ đến lượt bị chích hút để khai thác mật. Các nỗ lực bảo vệ gấu đòi hỏi phải xóa sổ "ngành công nghiệp" khai thác mật gấu. Song song với việc tăng cường thể chế luật pháp và thực thi pháp luật, việc giảm thiểu nhu cầu về mật gấu cũng như tác động đến thái độ, hành vi và quan niệm về sử dụng mật gấu vốn đã tồn tại hàng bao thế kỷ nay cũng là những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng nhằm hướng đến mục tiêu chấm dứt tình trạng buôn bán và tiêu thụ mật gấu. Để thay đổi được một quan niệm, cần phải có thời gian. Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ đáng kể trên chặng đường dài hướng đến mục tiêu bảo vệ loài gấu. Ngăn chặn được tình trạng nuôi nhốt gấu ngay trong giai đoạn đầu khi số lượng gấu còn ít sẽ giúp giảm được rất nhiều chi phí. Kế hoạch xóa bỏ tình trạng nuôi nhốt gấu thông qua tiêu hao về số lượng là bước đi đầu tiên cực kỳ quan trọng và cấp bách trên chặng đường dài này. Tuy nhiên, sự kiểm chứng những cam kết này nằm ở những nỗ lực tăng cường luật pháp và thực thi pháp luật đồng thời các chiến dịch nâng cao nhận thức sẽ giúp dần xóa đi nhu cầu sử dụng mật gấu.

 

Nguồn: monre.gov.vn