Lãnh đạo Vườn Quốc gia Bạch Mã cho biết Thừa Thiên-Huế sẽ ngừng các tour du lịch để mở đường lên Bạch Mã cho đến trước tháng 4/2012, tức trước thời điểm tổ chức Festival Huế 2012.
Đường lên đỉnh Bạch Mã là tuyến đường độc đạo (chỉ có một con đường) dài 19km, sẽ được mở rộng từ 3,5m hiện nay lên từ 5m đến 7m sau khi hoàn thành, mặt đường bằng bê tông, với tổng kinh phí đầu tư gần 120 tỷ đồng từ nguồn vốn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Nhưng sau gần 2 năm khởi công (tháng 9/2009 đến nay), tuyến đường chỉ mới thi công hoàn thành được khoảng 10km.
Việc đầu tư tuyến đường lên đỉnh Bạch Mã xuất phát từ việc nhiều công ty du lịch đã đưa Bạch Mã vào tour, tuyến điểm du lịch sinh thái và đã thu hút được đông đảo du khách.
Tuy nhiên, việc thi công tuyến đường chậm đã làm ảnh hưởng đến các tour du lịch lên đỉnh Bạch Mã, vì phải huỷ bỏ trong thời gian dài, ảnh hưởng đến thương hiệu và kinh doanh của các hãng lữ hành.
Bạch Mã được kỹ sư M. Girard (Pháp) phát hiện vào năm 1932 và người Pháp đã biến nơi đây thành khu vực nghỉ dưỡng với hệ thống 139 biệt thự, khách sạn, bể bơi, đường giao thông...
Năm 1986, rừng cấm Bạch Mã-Hải Vân được xây dựng và đến năm 1991, Vườn Quốc gia Bạch Mã được thành lập. Từ diện tích 22.031ha ban đầu, đến nay vườn quốc gia Bạch Mã được mở rộng lên 37.487ha.
Bạch Mã được ghi nhận có 1.493 loài động vật và 2.147 loài thực vật, trong đó có 68 loài động vật và 86 loài thực vật có nguy cơ tuyệt chủng được ghi vào Sách Đỏ.
Hiện nay, ngoài tuyến đường đang thi công, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã cho phép Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long nghiên cứu dự án xây dựng hệ thống cáp treo và khai thác du lịch tại vườn quốc gia Bạch Mã. Hệ thống cáp dự kiến nối từ chân đến đỉnh núi Bạch Mã dài khoảng 3.600-4.000m.../.
Quốc Việt