Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng Ea Sô

Cập nhật: 07/09/2011
Trong cuộc chiến bảo vệ 26.000ha rừng đặc dụng và các loài thú quý hiếm ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, nhiều chiến sĩ kiểm lâm đã đổ máu. Gần đây, lâm tặc từ các tỉnh Gia Lai, Phú Yên lại tàn phá các khu rừng giáp ranh, mở đường tràn vào rừng đặc dụng Ea Sô.

Môi trường sống lý tưởng bậc nhất của bò tót, bò rừng và các loài thú quý thuộc bộ móng guốc ăn cỏ còn lại ở Việt Nam đang thực sự lâm nguy.

“Bắn? Các ông mà bắn thì vợ con các ông sẽ khổ, tốt nhất là hãy bỏ súng xuống...”. Sau cuộc đối thoại ngắn, thêm vài chục bước chân rượt đuổi là súng nổ từ phía lâm tặc. Những cuộc đối đầu như vậy luôn là nỗi ám ảnh của kiểm lâm Ea Sô. PV Lao Động đã cùng kiểm lâm Ea Sô trèo đèo, lội suối nhiều ngày đêm, tận mắt xem “bộ đội bảo tồn” vây bắt “giặc” rừng.

5 đối tượng chở gỗ hương bị kiểm lâm Ea Sô bắt giữ trong vùng rừng của tỉnh Gia Lai tối 24.8. Ảnh: Đ.T.K

Xe độ chế của lâm tặc bị bắt giữ tại BQL Khu BTTN Ea Sô. Ảnh: Đ.T.K

"Kiểm lâm hai mông bằng nhau"

Sau một ngày trèo đèo lội suối, mấy bận vật nhau với lâm tặc, có lúc phải buông đũa lao ra chặn xe chở gỗ, chúng tôi mới mắc được chiếc võng ngả lưng. Lúc đó là 19h ngày 24.8, trong một khu rừng thuộc địa phận xã Krông Năng, huyện Krông Pa, Gia Lai - quy chế phối hợp cho phép kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô được truy quét, xử lý lâm tặc trên vùng rừng giáp thuộc tỉnh Gia Lai và tỉnh Phú Yên. Nhưng chưa kịp nghỉ lấy sức, lại có tiếng xe máy gầm rú. 3 xe đi trước chở gỗ hương, chiếc đi sau chở người và lỉnh kỉnh cưa xăng, ròng rọc, dây chằng. 4 kiểm lâm viên phải đạp ngã xe, trấn áp 5 đối tượng mới tạm giữ được tang vật.

Trước khi ra về, nhóm lâm tặc luôn miệng chửi thề, chỉ mặt từng người đe dọa: “Bộ đội bảo tồn coi chừng đó”. Tôi hỏi sao lại là “bộ đội bảo tồn”, anh Lê Xuân Tùng - Đội phó Đội kiểm lâm cơ động - giải thích: “Chúng tôi chỉ mặc quân phục rằn ri của bộ đội để tiện đi rừng, đâu có ngồi bàn giấy mà dùng trang phục kiểm lâm.

Cũng do những người có trình độ không dại gì vào chỗ chết, BQL Khu BTTN Ea Sô phải tuyển toàn bộ đội xuất ngũ, rồi cho đi học sơ cấp kiểm lâm”. Một anh vui tính góp chuyện: “Chúng tôi còn là “kiểm lâm hai mông bằng nhau” nữa, tức là trong cái ví không có tiền. Bởi vì kiểm lâm bảo tồn không được Nhà nước trang bị nhiều phương tiện, nhiều quyền lực như các lực lượng kiểm lâm khác. Mà thường phải nhiều quyền thì mới có nhiều tiền, mới to một bên mông được”. Cả nhóm được trận cười giải lao.

Bắt là... bắn

Ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, Trạm kiểm lâm số 2 dẫn đầu về số vụ bị lâm tặc tấn công, số người thương tật. Trạm trưởng Vương Thế Cao năm nay 30 tuổi, nhưng đã hàng chục lần đối mặt với họng súng, mũi dao của lâm tặc. Tổng cộng đã bị 7 viên đạn tự chế ghim vào người. Cách đây chưa lâu, anh Cao phát hiện Hờ A Ninh, Hờ A Sình, Hoàng Đình Xuân và Hoàng Đình Thu khai thác gỗ trái phép, một đối tượng bỏ chạy về làng.    

Chỉ một giờ sau, hàng chục đối tượng từ thôn Giang Đông, xã Ea Đăh, huyện Krông Năng rầm rộ kéo đến giải thoát cho đồng bọn. Không ngại nguy hiểm, các kiểm lâm viên Trạm 2 tìm vào tận Giang Đông để lập biên bản, nhưng một lần nữa lại bị lâm tặc chống trả phải quay về. Cứ tưởng về là yên, ai ngờ nửa đêm có tiếng ném đá vào trạm, anh Cao ra xem thì bị Hờ A Sình giương súng bắn. Đạn bi ghim đầy khớp gối và hai cẳng chân, anh Cao bị thương tật 25%. Anh Lê Tấn Hoàng, trong khi vây bắt 4 đối tượng vừa giết hại một con nai ở Tiểu khu 632, bị chúng đâm 4 nhát dao vào người, thương tật 31%.

Chuyện kiểm lâm viên Hoàng Văn Nam cũng là một tấm gương dũng cảm, không chịu lùi bước trước lâm tặc. Đó là cuộc vây bắt hai cha con Phạm Văn Ngân và Phạm Văn Đạt - trú tại xã Cư Ni, huyện Ea Kar - cùng 2 khẩu súng vào một đêm tối trời. Đồng đội đi trước chặn đường, anh Nam đuổi sát đối tượng và hô lớn: “Đứng lại, ai cho các ông vào đây?”. Phạm Văn Ngân giật lấy khẩu CKC từ tay con trai, bình tĩnh một cách đáng sợ: “Chúng mày đi chỗ khác, nếu bắt là tao bắn”. Các ông mà bắn thì vợ con các ông sẽ khổ, tốt nhất là hãy bỏ súng xuống”. Thêm vài bước chân rượt đuổi, Phạm Văn Ngân quay lại nổ súng, anh Nam ngã xuống trên đà lao ngược dốc. Viên đạn khiến anh phải điều trị 2 đợt, tái khám 4 lần tại TPHCM mà vẫn chưa ổn.

Kinh hoàng súng, bẫy...

Sáng 25.8, đồng nghiệp tôi thức dậy thở phào: “May quá, đêm qua không hỗn chiến giữa rừng”. Lúc này tôi mới nhìn rõ mấy chiếc xe chở gỗ bị tạm giữ đêm qua. Nhờ 12 cái phuộc nhún, mỗi bên 6 cái, riêng bánh trước có 2 cặp mà nó mang được 2 tấc gỗ hương nặng khoảng 250kg. Mỗi xe lại có 3 - 4 bộ phận hãm tốc, điều khiển bằng hai tay, hai chân nên phanh đâu là chết đó.

Trước khi vào rừng với kiểm lâm, tôi đã kịp thấy gần 30 chiếc “siêu xe” như thế tại BQL Khu BTTN Ea Sô. Cùng với xe là đủ loại súng ống, từ súng quân dụng như CKC, súng trường K44, Calip 9 đầu phát hỏa đến súng kíp. Nhưng loại súng bắn một phát ra cả chùm đạn, loại có vô số mảnh thép nhồi trong thuốc nổ mới đáng sợ. Gặp thứ này, đố con thú rừng hay anh kiểm lâm nào bị ngắm mà thoát cho được. Ngoài ra, từ năm 2009 đến nay, Khu BTTN Ea Sô còn thu giữ và phá hủy hơn 1.300 bẫy thú, gồm nhiều loại cực hiểm như bẫy thắt cổ, bẫy đâm lao, bẫy kẹp, bẫy bò tót...

Ông Nguyễn Đắc Ý - Giám đốc BQL Khu BTTN Ea Sô - cho biết: “Tại khu vực giáp ranh với Gia Lai và Phú Yên, lâm tặc đang lợi dụng danh nghĩa của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai để tràn vào khai thác gỗ quý hiếm. Trong khi đó, huyện Krông Năng của tỉnh Đắc Lắc lại có một tập đoàn thợ săn chuyên nghiệp nhắm vào Ea Sô. Năm nào chúng tôi cũng kiến nghị các huyện giáp ranh chỉ đạo tịch thu các loại vũ khí, bẫy thú nhưng việc tàng trữ, sử dụng vẫn không giảm”.

Đặng Trung Kiên

 

Nguồn: Báo Lao động