Bảo vệ khẩn cấp làn điệu hát Xoan

Cập nhật: 14/09/2011
Theo dự kiến, tháng 11/2011, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) sẽ chính thức xem xét Hồ sơ hát Xoan Phú Thọ trong danh sách đề cử Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Thông tin này khiến nhiều nghệ nhân hát Xoan và giới nghiên cứu nức lòng.

Giai thoại

Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, người nghiên cứu và xây dựng hồ sơ hát Xoan trình lên UNESCO, hát Xoan không rõ xuất hiện vào thời kỳ nào. Tuy nhiên, dựa vào những động tác múa và âm hưởng của những bài hát Xoan, đây có lẽ là một trong những điệu múa, lối hát cổ xưa nhất. Theo những phường Xoan ở Phú Thọ, từ thuở vua Hùng đi tìm đất để dựng kinh đô, dọc đường đi, anh em vua dừng chân lại vùng có bốn thôn: An Thái, Thét, Kim Đái và Phù Đức. Thấy trẻ con đùa hát đồng dao vui chơi, vua sai tùy tùng gọi bọn trẻ đến hát cho vua nghe, ngài lấy làm thích và dạy bọn trẻ những bài hát mà mình nghĩ ra. Sau đó cả bốn làng đều truyền tai nhau những điệu hát do vua Hùng dạy.

Tại nơi vua nghỉ chân và dạy trẻ hát sau này có một ngôi miếu được dựng lên, gọi là miếu Lãi Lèn (hiện không còn nữa) để cảm ơn ngài đã dạy dân học hát. Nghi lễ hát cúng dâng vua của cả bốn phường Xoan đều diễn ra tại Lãi Lèn. Sau này, dân lập nên đình Thét để rước vua về mỗi khi mở hội hoặc hát cầu vua ban cho mùa màng bội thu, cảm ơn công đức vua Hùng đã dạy dân làm ruộng, trồng dâu, trồng đậu, nuôi tằm và dệt vải. Thông qua việc thờ cúng này, người dân Phú Thọ coi vua Hùng như một vị thần nông. Cũng theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nghi lễ hát Xoan diễn ra hai lần trong năm: từ mùng 1 đến mùng 7 Tết âm lịch (lễ xuống đồng), sau đó là ngày 10/3 âm lịch (Lễ giỗ tổ Hùng vương). Tất cả các làng tụ về miếu Lãi Lèn thờ vua và hát nghinh thần, sau đó các làng rước vua về đình làng mình và tiếp tục hát ở đấy cùng 12 quả cách (tràng mai cách, tứ dân thời cách, nhàn ngâm cách, hò chèo cách, đối dẫy cách, tứ đưa Xoan cách, ngư tiều cách, Xoan thời cách, hè mừng cách, mừng thu cách, đưa đông cách, hồi nghiên cách). Quả cách thứ 12 được gọi là đóng đám (kết thúc nghi lễ thờ cúng). Sau đó các đào, kép hát tỏa đi hát ở các nơi.

Ngoài ra, hát Xoan kết hợp với dân ca địa phương tạo nên một loại hình nghệ thuật khá thú vị là hát bợm gái, còn gọi là hát giao duyên, hát múa bỏ bộ (có đến 60 bài), mời rượu, đúm, cài huê, xin huê, đố huê, đố chữ, mó cá. Trong cả ba chặng hát: nghinh thần, đón đào Đức Bác và bợm gái thì hát mó cá (khoảng 100 câu) trong chặng bợm gái được coi là thú vị nhất, bởi từ câu hát đến động tác múa đều mang ý nghĩa phồn thực.

Lại có một câu chuyện kể rằng, hát Xoan là điệu hát múa mà nàng Quế Hoa cất tiếng hát giúp vợ vua Hùng bỗng chốc vui vẻ, hết đau bụng lúc sinh con và sinh được ba người con trai tuấn tú. Vua rất vui, truyền cho các công chúa và cung nữ đều học hát điệu này. Lúc đó vào mùa xuân nên vua đặt tên các làn điệu múa, hát đó là hát Xoan…

Nguy cơ mai một

Đến nay, mặc dù được biểu diễn nhiều trong Lễ hội Đền Hùng cũng như các lễ hội tại vùng đất Phú Thọ và được nhiều người yêu thích, song hát Xoan chỉ được lưu giữ bởi một số nghệ nhân đã cao tuổi. Theo khảo sát của tỉnh Phú Thọ, hiện toàn tỉnh còn 69 nghệ nhân hát Xoan thì có tới 31 người trong độ tuổi từ 80 - 104, chỉ 8 người có khả năng truyền dạy. Tổng số người tham gia các phường Xoan là 81, trong đó 49 người biết hát. Các di tích diễn ra hát Xoan thì chỉ có 15/30 di tích diễn ra hát cửa đình còn tồn tại, còn 15 di tích đã mất hoàn toàn. Điều này đặt hát Xoan trước yêu cầu bảo tồn một cánh cấp thiết.

Bà Nguyễn Thị Lịch, Trùm phường Xoan An Thái đã lập ra một lớp đào tạo hát Xoan nhằm duy trì loại hình nghệ thuật truyền thống này. Lớp học thành lập được gần chục năm nhưng cứ đào tạo được cháu nào biết hát, biết phách thì cũng là lúc các cháu tốt nghiệp phổ thông và đi thoát ly, rất khó tập hợp trở lại. Đó là điều trăn trở không chỉ của riêng bà Lịch mà còn của các nghệ nhân khác. Nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Khắc Xương đồng cảm: "Sự hấp dẫn của hát Xoan chính là đào trẻ, kép trẻ. Nếu cứ để các cụ già hát sẽ không còn sự mềm mại, hấp dẫn vốn có, cũng khó mà thu hút khán giả trẻ khi những người biểu diễn đã quá lớn tuổi".

Ngoài trăn trở về thế hệ kế cận, bà Lịch cũng không khỏi ngậm ngùi khi phường Xoan An Thái có tới 43 người, nhưng cả chục năm rồi, khoản đầu tư lớn nhất cho phường, cũng là khoản đầu tư duy nhất cho hát Xoan Phú Thọ là 19 bộ quần áo cho các đào, kép. Với 19 bộ quần áo ấy, mỗi khi phường biểu diễn, 43 người chia nhau tuần tự, người này mặc ra biểu diễn xong, vào cánh gà thay ra cho người khác mặc. Bà Lịch nói trong ngậm ngùi: "Ông nội và cha tôi là trùm Xoan có tiếng ở đây, đến đời tôi vẫn giữ được nhưng không biết khi thế hệ chúng tôi không còn thì sẽ ra sao…"

Nhạc sĩ Lương Nguyên, một trong những thành viên tham gia làm hồ sơ về hát Xoan trình UNESCO cho biết, hầu hết lời hát Xoan tại Việt Trì (Phú Thọ) được viết bằng chữ Nôm, hiện chỉ còn một bản gốc do nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương giữ, những bản chép tay bằng chữ quốc ngữ được ghi lại sau này từ trí nhớ của một số nghệ nhân. Nghệ nhân của bốn phường hát Xoan (An Thái, Thét, Kim Đái và Phù Đức) hiện không ai đọc được cuốn sách chữ Nôm ghi lời các làn điệu Xoan. Dù đã thấy có độ sai lệch ca từ mà các phường Xoan đang hát nhưng chưa ai bỏ công nghiên cứu, chỉnh lại lời chuẩn. Vì vậy, theo nhạc sỹ Lương Nguyên, việc cần thiết các cấp chính quyền cần làm là dịch sách ấy rồi hiệu đính để mọi người khi hát hiểu từng câu hát có ý nghĩa thế nào. Hơn nữa, có khuyến khích được người trẻ học hát Xoan và đắm say với nó thì mới mong giữ lại được căn cốt của Xoan.

Mới đây nhất, Ủy ban UNESCO Việt Nam, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có chuyến khảo sát hát Xoan và làm việc với Ban chỉ đạo xây dựng và vận động hồ sơ di sản của tỉnh Phú Thọ. Tại buổi làm việc, các chuyên gia nhận định, hát Xoan Phú Thọ đã hội đủ các yêu cầu cần thiết của UNESCO để được công nhận: Tính giá trị, tính cộng đồng trong việc sáng tạo và truyền dạy từ đời này qua đời khác, sức sống và các cam kết bảo vệ mạnh mẽ.

N.Thủy

 

Nguồn: KTNT