Để môi trường du lịch Hà Nội xanh – sạch – đẹp: Kỳ 1: Tràn lan rác thải, phế liệu xây dựng…?

Cập nhật: 16/09/2011
Khi có dịp đến Hà Nội tham quan du lịch, nhiều du khách rất ngạc nhiên bởi tình trạng một số hộ dân vứt rác trực tiếp ra đường gây nên hình ảnh mất mỹ quan tại các điểm du lịch, di tích lịch sử, danh thắng, sông ngòi, đường phố…

Rác thải, ô nhiễm và bụi

Hà Nội có nhiều danh thắng đẹp, di tích lịch sử nổi tiếng như Hồ Gươm, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, Hồ Tây, phố cổ… luôn thu hút đông đảo du khách quốc tế đến tham quan tìm hiểu, học tập, nghiên cứu. Tuy nhiên, ngay tại các điểm tham quan này, vấn nạn rác thải vẫn diễn ra khiến nhiều du khách ngán ngẩm. Ngay trong khu phố cổ, ở nhiều di tích danh thắng như chùa Vĩnh Trù, chùa Huyền Thiên… rác vương vãi khắp nơi. Tại di tích Gò Đống Thây (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) một di tích lịch sử đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia, cần được bảo vệ nhưng cũng đang bị rác thải bủa vây. Trên con đường gốm sứ, công trình văn hóa đáng tự hào của người dân Thủ đô từ lâu đã là “nhà vệ sinh công cộng” của những người thiếu ý thức, khiến khi đến đây tham quan, du khách luôn phải bịt mũi vì không khí ở đây luôn khai nồng. Đoạn đường gốm sứ nằm đối diện bến xe Long Biên đã là điểm tập kết rác thải của công ty môi trường đô thị từ lâu, bốc mùi hôi thối rất khó chịu gây mất cảnh quan đô thị.

Ông Lê Trung Dũng, Trưởng phòng tổ chức lao động, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Môi trường đô thị cho biết, mặc dù thời gian qua các cơ quan đã vào cuộc với nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng ý thức người dân quá kém, xả rác bừa bãi mặc dù có các thùng rác công cộng. Công nhân của Công ty cứ dọn đằng trước họ bày ra đằng sau mới xảy ra tình trạng tràn lan rác thải tại Hà Nội như hiện nay.

Hệ thống công viên vườn hoa với không khí được cho là xanh - sạch - đẹp cũng luôn trong tình trạng ô nhiễm môi trường bởi rác thải tràn lan. Ngay tại công viên Thủ Lệ, một trong những công viên đông khách nhất Hà Nội, nhiều du khách phải “nín nhịn” bởi sự bẩn thỉu, nhếch nhác của khu nhà vệ sinh gần khu vực vui chơi ô tô điện, tàu lượn trẻ em. Ngay tại những chuồng thú, vấn đề vệ sinh chưa được quan tâm dẫn đến nhiều chuồng thú bẩn, hôi và nhếch nhác. Bên cạnh đó, nhiều khu nhà vệ sinh công cộng được đặt tại các công viên đã bị chiếm dụng làm nơi bán hàng nước, ví như nhà vệ sinh đặt tại Hồ Gươm gần Đền Ngọc Sơn đã từ lâu là điểm bán nước, đồ ăn uống, giải khát tạo nên hình ảnh không đẹp ngay tại một địa danh du lịch nổi tiếng của Thủ đô.

Cùng với rác thải là tình trạng hệ thống sông, hồ ở Hà Nội bị ô nhiễm đã đến mức báo động. Hồ Tây không chỉ vương vãi rác, bèo tây và xác cá chết mà còn là nơi xả nước thải của các cơ quan, người dân, nhà hàng xung quanh hồ. Ngay tại hồ Hữu Tiệp, nơi chứa xác B52 của Mỹ, tình trạng ô nhiễm nguồn nước, tràn lan rác thải vẫn diễn ra. Đặc biệt về vấn đề ô nhiễm hồ phải nói đến Hồ Linh Quang, khi nơi đây đang trở thành điểm tập kết phế thải xây dựng, do nước tù, ao bèo dày đặc, rất nhiều muỗi. Được biết, năm 2006, UBND Thành phố đã có quyết định phê duyệt dự án xây dựng, cải tạo hồ Linh Quang với tổng đầu tư gần 130 tỷ đồng. Một câu hỏi được đặt ra sau 5 năm với số tiền đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng mà hồ vẫn trong cảnh ô nhiễm trầm trọng(!?).

Trên các tuyến đường vành đai của Thủ đô là tình trạng ô nhiễm do bụi, tại Láng Hạ, Phạm Văn Đồng, Đường Láng Hoà Lạc, Lĩnh Nam… Nguyên nhân chính dẫn đến các con đường này trở thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường là do xe chở vật liệu xây dựng không được che chắn kỹ, không được rửa, xử lý khi chạy vào Thành phố và còn do hiện tượng đổ phế liệu trái phép tràn lan. Theo đại diện Sở Giao thông Hà Nội cho biết từ tháng 4/2011 đến nay, Thanh tra Sở đã tiến hành kiểm tra xử lý 3870 trường hợp vi phạm với các lỗi đổ phế thải ra hành lang đường bộ, chở vật liệu rời cao quá thành, lôi kéo đất từ các công trình ra đường giao thông… nồng độ bụi lơ lửng ở các quận nội thành đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép 5 – 6 lần, thậm chí có nơi trên 10 lần. Lượng khí thải độc hại như CO2, SO2, CO3, NO, CO… ngày càng gia tăng và tác động tiêu cực tới con người, môi trường.

Và chuyện những bãi rác quá tải…

Với số lượng rác thải tại Hà Nội tăng trung bình 15%/năm, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ước khoảng 5.000 tấn/ngày đêm dẫn đến nhiều bãi rác Hà Nội có nguy cơ bị quá tải. Dự kiến đến năm 2012, khi các bãi rác thải lớn hiện nay như Nam Sơn, Xuân Sơn có nguy cơ đóng cửa vì quá tải do thiếu quỹ đất, Hà Nội sẽ hết chỗ đổ rác nếu không tìm được những phương án hợp lý để thay thế. Theo tìm hiểu của PV, bãi rác Nam Sơn hiện nay mỗi ngày tiếp nhận 4.000 tấn/ngày đêm. Ngay tại khu xử lý rác thải Xuân Sơn, nơi tập kết rác cho các huyện, thị xã phía tây Hà Nội cũng lâm vào tình trạng quá tải. Ông Lê Trung Dũng cho biết, do tình trạng quá tải, từ năm 2010 đến nay, bãi rác Xuân Sơn chỉ tiếp nhận rác của TX Sơn Tây (khoảng 60 đến 80 tấn/ngày đêm).

Rác thải thu gom để vung vãi khắp nơi

Trong khi nhiều bãi rác quy mô lớn đang trong tình trạng quá tải, nhiều dự án xử lý rác thải vẫn trong tình trạng chậm tiến độ như dự án Nhà máy Xử lý rác lớn nhất Việt Nam tại Nam Sơn với tổng số vốn đầu tư lên đến 39 triệu USD trên diện tích 15ha với kỳ vọng giải tỏa được nguy cơ hết chỗ chôn lấp rác, nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình triển khai. Dự án xử lý rác thải theo công nghệ Hoa Kỳ tại núi Thoong (Chương Mỹ) với tổng nguồn vốn đầu tư 17,5 triệu USD cũng trong tình trạng tương tự.

Với hiện trạng môi trường nêu trên cùng tình trạng quá tải ở các bãi rác đang đặt ra bài toán cho các cơ quan hữu quan Hà Nội cần có biện pháp xử lý để Hà Nội thực sự là đô thị xanh, sạch, đẹp, là điểm đến lý tưởng với du khách trong và ngoài nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2011, lực lượng cảnh sát môi trường Hà Nội đã điều tra, xử lý hơn 170 vụ vi phạm về môi trường, xử lý hình sự 20 vụ, trong đó khởi tố 10 vụ…, xử phạt hành chính trên 1 tỷ đồng.

Bài và ảnh: Hà Ninh

 

Mời các bạn đón đọc kỳ 2: Những giải pháp để Hà Nội thực sự xanh - sạch - đẹp?

Nguồn: Báo Du lịch