Ngày 19/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã họp thống nhất về tình hình hợp tác giữa Bộ với phía Hà Lan, nhằm đạt “thỏa thuận đối tác chiến lược với Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long.”
Ông Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết bản thỏa thuận được xây dựng trên cơ sở Đề cương của Kế hoạch châu thổ sông Cửu Long.
Hiện Văn phòng thường trực Phân ban Việt Nam đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan và các chuyên gia Hà Lan xây dựng Đề án từ nguồn kinh phí thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đề án có bốn dự án hợp phần gồm Dự án tổng quan hệ thống tự nhiên và cơ sở hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xác định nhu cầu sử dụng nước và đất cho phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng các kịch bản phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở tích hợp các kịch bản phát triển kinh tế-xã hội về biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến 2050 và tầm nhìn đến 2100; xây dựng khung thể chế quản lý tài nguyên nước nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay hai nước Việt Nam và Hà Lan đang đứng trước những thách thức lớn của nhân loại trong thế kỷ 21 là biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Tại Hà Lan, nhiều vùng đã nằm dưới 5m so với mực nước biển. Tại Việt Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng sẽ ngập đến 40% diện tích nếu nước biển dâng 1m. Việt Nam bày tỏ ấn tượng tốt đẹp về đất nước Hà Lan, một đất nước có trình độ trong quản lý trị thủy.
Kinh nghiệm của Hà Lan về trả lại đất cho sông và lấn biển, đã được kết tinh trong xây dựng và thực hiện kế hoạch châu thổ của nước này. Việt Nam coi những kinh nghiệm, kiến thức về quản lý nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của Hà Lan là những bài học quý báu cho mình./.