Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Cần giải pháp đột phá bảo vệ môi trường khu kinh tế, làng nghề

Cập nhật: 23/09/2011
Ngày 21/9, tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì cuộc họp báo cáo dự thảo kết quả giám sát chuyên đề làng nghề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại cuộc họp, ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TN&MT đã trình bày những điểm chính của Báo cáo Chính phủ về việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế và làng nghề.

Ông  Võ Tuấn Nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã trình bày Dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát.

Các bản báo cáo thống nhất cao về việc đánh giá thực trạng triển khai luật pháp chính sách về môi trường tại khu kinh tế, làng nghề; thực trạng ô nhiễm, các nguyên nhân và đều cho rằng, việc xử lý ô nhiễm, đặc biệt tại làng nghề còn rất hạn chế .

Đóng góp ý kiến vào bản dự thảo, các đại biểu cho rằng, cần xác định đúng mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề hiện nay. Ông Lê Việt Trường, Phó Chủ nhiệm  Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội cho rằng "Cấp độ của cảnh báo môi trường chưa đủ độ" và trong tất cả các nguyên nhân, cần phải làm rõ trách nhiệm tại ai.  "Tôi cho rằng trách nhiệm lớn nhất thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước các cấp. Chính phủ cần phải xem xét trách nhiệm của UBND các cấp trong việc thực thi pháp luật về môi trường" - ông Lê Việt Trường nói.

Cùng chung quan điểm này, Ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nhấn mạnh rằng, mối quan tâm của các cấp, các ngành chưa đúng mức trong khi ô nhiễm làng nghề hiện nay rất nghiêm trọng. Ông Tần nói: "Cần phân loại làng nghề, những làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng nên bỏ và có lộ trình xử lý ô nhiễm cho các làng nghề ít ô nhiễm hơn". Tuy nhiên, ông Diệp Kỉnh Tần mong muốn Quốc hội làm rõ vai trò của làng nghề đối với phát triển kinh tế và bảo đảm đời sống của người dân. 11 triệu lao động làng nghề đang chiếm 30% lao động nông thôn và những làng có nghề thu nhập của người dân gấp từ 2 đến 3 lần làng không có nghề.

Ông Nguyễn Hữu Chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng, xử lý "mối quan hệ chằng chịt" giữa phát triển kinh tế, đời sống người dân và bảo vệ môi trường rất phức tạp". Hiện nay, đầu tư 1 đồng ngân sách vào phát triển kinh tế đang phải mất từ 3 đến 5 đồng xử lý môi trường, nên các địa phương không đủ sức giải quyết. Ông Chí cũng cho rằng, chi sự nghiệp môi trường là một trong 3 khoản chi cùng với giáo dục, khoa học công nghệ, đã được ưu tiên ấn định hàng năm, cơ chế tài chính đã tương đối đầy đủ.

Về vấn đề tài chính, nhiều ý kiến cho rằng việc phân bổ sử dụng 1% ngân sách môi trường tại các địa phương hiện nay phần lớn không đúng mục đích. Trong khi ngân sách khó tăng hơn nữa, cần tăng cường công tác giám sát sử dụng nguồn tài chính này sao cho hiệu quả.

Ông Bùi Cách Tuyến  lưu ý, theo Luật Bảo vệ môi trường 2005, việc quản lý môi trường do nhiều Bộ chịu trách nhiệm, điều đó có mặt tốt là huy động được tiềm lực của các Bộ, ngành. Nhưng cũng có hạn chế là các Bộ thường tập trung lo thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, xem nhẹ vấn đề môi trường, nên việc điều phối trở nên rất quan trọng. Chẳng hạn cho đến nay nguồn kinh phí cho 2 đề án bảo vệ lưu vực sông đã có, nhưng vẫn chưa triển khai được do vướng Luật Ngân sách, trong khi 60% khu kinh tế, khu công nghiệp đều nằm trên các lưu vực sông. Hoặc như chế tài xử phạt hiện nay cũng đã khá mạnh, nhưng việc ra quyết định xử phạt của cấp thẩm quyền còn hạn chế. "Cần nhìn lợi ích Quốc gia, cộng đồng hơn là lợi ích của từng đơn vị" - ông Bùi Cách Tuyến nói.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo,  Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội biểu dương những nỗ lực của Đoàn giám sát chuyên đề trong quá trình làm việc, lấy ý kiến và khảo sát thực tế trên diện rộng, triển khai nhanh. Các thành viên tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo trước khi trình Quốc hội, tập trung vào 3 vấn đề lớn: Đánh giá sâu sắc hơn mặt được và hạn chế trong thực thi pháp luật về môi trường tại khu kinh tế, làng nghề; làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp phù hợp. Đưa ra các kiến nghị cơ bản nhất đối với Quốc hội và chính phủ phù hợp với tình hình đất nước và đưa ra các giải pháp mang tính đột phá giúp cho khu kinh tế và làng nghề hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững. Về việc kiến nghị tăng ngân sách môi trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng chưa phù hợp trong điều kiện hiện nay.

 

Nguồn: Monre