Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng biển miền Trung Việt Nam nguồn lợi phong phú về sinh vật biển. Đây là nguồn sống chính của những ngư dân. Nhưng thực tế tiếp diễn, nguồn lợi ấy đang có nguy cơ suy kiệt
Vùng biển giàu nguồn lợi
Biển miền Trung là vùng đặc lợi về kinh tế với sự phong phú, giàu có về nguồn lợi sinh vật biển. Tại đây, tập trung nhiều loài hải sản có giá trị cao, khối lượng lớn, bảo đảm đời sống cho cộng đồng ngư dân. Theo số liệu của Phòng Nghiên cứu nguồn lợi hải sản, Viện Nghiên cứu hải sản Hải Phòng, riêng quần đảo Hòn Mê thuộc huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa có 299 loài hải sản thuộc 169 giống nằm trong 94 họ khác nhau sinh sống. Đa dạng nhất về thành phần loài là các họ cá khế, cá lượng, cá hồng, mực nang, cá sơn, cá bàng chài và họ cá phèn. Ba loài được xếp vào nhóm sẽ nguy cấp là ghẹ chữ thập, tôm mũ ni và cá song ruồi. Loài cá bánh đường chiếm tỉ lệ sản lượng cao nhất ở khu vực Hòn Mê và vùng phụ cận (chiếm 20,35% tổng sản lượng khai thác của chuyến biển). Cá song nhật, cá hố, cá nục số chiếm ưu thế về sản lượng với tỷ lệ tương ứng là 10,81%, 6,47%, 5,48%.
Không chỉ là nơi hội tụ của nhiều loài hải sản, khu vực biển miền Trung còn là nơi tập trung các sinh vật biển quý hiếm, đặc biệt là rong Mơ. Các bãi triều đá ven biển miền Trung là nơi rong Mơ phân bố nhiều nhất cả nước. Đây là loài rong có ý nghĩa quan trọng trong giảm thiểu ô nhiễm nước ven bờ, làm nơi trú ngụ cho nhiều động vật biển khỏi bị ăn thịt cũng như là bãi đẻ cho các loài hải sản có giá trị. Rong Mơ dùng làm thực phẩm cho người và vật nuôi, nguyên liệu tốt để chiết rút alginate, các chất có hoạt tính sinh học cao như Fucoidan, phlorotanin có tác dụng làm tan đông cục máu, tăng cường tính miễn dịch, kháng ung thư, kháng virut, phòng chống và giảm thiểu bệnh tiểu đường, cao huyết áp, viêm loét dạ dày.
Khai thác tràn lan, tự phát
Hiệu quả kinh tế cao là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc người dân khai thác ngày càng mạnh mẽ nguồn lợi từ biển vốn rất ưu đãi này. Ở vùng Hòn Mê, kết quả điều tra bằng tàu đánh lưới cho thấy, năng suất đánh bắt khá cao, ước tính đạt 76,5kg/giờ kéo lưới. Cùng với sự phát triển ồ ạt của nghề cá biển, tạo áp lực khai thác rất lớn lên nguồn lợi ở vịnh Bắc Bộ nói chung và khu vực Hòn Mê nói riêng, làm cho trữ lượng nguồn lợi suy giảm đáng kể. Năm 2001, năng suất trung bình cao nhất đạt 99kg/giờ, đến năm 2005, chỉ còn 58,5kg/giờ. Và đến nay, sản lượng còn giảm hơn.
Khai thác tràn lan cũng khiến rong biển bị suy giảm, nguy cơ sẽ cạn kiệt dần. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang, sản lượng khai thác rong Mơ tự nhiên hàng năm ở ven biển miền Trung khoảng 20.000 tấn khô. Khánh Hòa là tỉnh có mức độ khai thác lớn nhất với 7.300 tấn khô/năm. Trong đó, một lượng nhỏ khoảng 50 tấn rong Mơ đang sử dụng làm thức ăn gia súc, phân bón, fucoidan còn phần lớn rong khô được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch.
Giải pháp phát triển bền vững dựa vào cộng đồng
Việc quản lý khai thác, nuôi trồng, bảo vệ góp phần cho việc phát triển bền vững nguồn lợi rong Mơ và đảm bảo thu nhập kinh tế ổn định cho người dân ven biển là việc làm cần thiết của các nhà khoa học và các cấp chính quyền có liên quan. Phương pháp quản lý bằng hình thức cộng đồng cùng quản lý là giải pháp phát triển bền vững nguồn lợi từ biển.
Theo đề xuất của chuyên gia Lê Như Hậu, Bùi Minh Lý thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang, đối với vùng ven bờ gần khu dân cư, nên phân chia khu vực và giao cho tổ (nhóm 5-10 hộ) có cùng địa bàn tự quản lý khai thác và phải đóng thuế khai thác tài nguyên. Đối với vùng xa bờ và xa khu dân cư, theo hình thức đấu thầu để mang tính công khai, rõ ràng. Khi đó, người dân hoặc hợp tác xã sẽ tự quản lý và khai thác theo sự hướng dẫn của các cán bộ khoa học và kỹ thuật. Mặt khác, hộ kinh doanh thu mua phải có giấy phép và cam kết về quy phạm thu mua. Chi cục bảo vệ nguồn lợi có quyền giam phương tiện khai thác và thu sản phẩm cho những hộ không chấp hành về thời gian được thu cho từng khu vực như đã thông báo.
Các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ nên hướng dẫn người dân cách thức khai thác hợp lý, phù hợp với thời điểm và sản lượng. Bên cạnh đó, cũng cần có biện pháp để phục hồi, nuôi trồng, gìn giữ những sinh vật quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng.