Nghệ An là một tỉnh có địa bàn trải rộng, dân số đông vào loại nhất nhì ở Miền Trung. Bên cạnh đó, Nghệ An còn là địa điểm có khá nhiều khu du lịch. Dân cư đông, lưu lượng khách đi và đến nhiều nên tình trạng ô nhiễm môi trường thường xuyên xảy ra.
Khách sạn Xanh tại Cửa Lò
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển du lịch bền vững, một vài năm trở lại đây, vấn đề bảo vệ môi trường, cảnh quan ở các trung tâm du lịch đã được cấp uỷ, chính quyền các cấp và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở Nghệ An chú ý.
So với 5, 6 năm về trước, vấn đề bảo vệ môi trường sống và cảnh quan ở thị xã Cửa Lò, một khu du lịch có tiếng ngày càng được cải thiện. Trước đây, do tốc độ đô thị hoá tăng nhanh, số lượng các công trình xây dựng của nhà nước và tư nhân triển khai khá nhiều nên tình trạng rác thải xây dựng vứt bừa bãi hai bên đường. Thực trạng này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm mất mỹ quan của đô thị. Bên cạnh đó, do lượng du khách tìm đến lưu trú, nghỉ dưỡng đông nên lượng rác thải sinh hoạt từ các nhà hàng, quán ăn vứt bỏ hai bên vỉa hè, thậm chí ở cả những tuyến đường nội thị trong thị xã cũng rất nhiều. Trước thực trạng môi trường sống bị ô nhiễm dẫn đến nguy cơ thương hiệu du lịch bị "đe doạ”, cấp uỷ, chính quyền từ thị xã đến các phường và các khu phố, các doanh nghiệp du lịch đã bàn bạc và xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường. Tất cả đều xác định, làm việc này cũng chính là xây dựng thương hiệu bền vững cho du lịch Cửa Lò. Ở các khu phố, việc tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho nhân dân được chú trọng. Ở các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho cán bộ, công nhân viên luôn được quan tâm đúng mức. Thị xã đã phát động phong trào "5 không” trong bảo vệ môi trường và giao cho các phường trực thuộc tổ chức cho nhân dân ký cam kết thực hiện bảo vệ môi trường. Hàng năm, thị xã đã mở nhiều lớp tập huấn về vệ sinh môi trường, thu hút trên 1.000 lượt người dân, cán bộ phường, xã và các doanh nghiệp du lịch tham gia. Hàng tuần, đoàn thể các phường, các khu phố và các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn đều tổ chức cho đoàn viên, hội viên và nhân viên thu gom rác thải, bảo vệ môi trường, nên môi trường ở các khu dân cư, các địa điểm du lịch, nghỉ dưỡng, ăn uống đều được cải thiện. Để giữ được thương hiệu "bãi tắm đẹp”, Công ty Cổ phần Du lịch & Môi trường Cửa Lò đã thường xuyên tiến hành các hoạt động sàng lọc cát ở các đoạn bờ biển, bãi tắm do mình quản lý. Việc làm này tốn khá nhiều công sức, chi phí, nhưng kết quả đem lại là rất lớn. Được sự hỗ trợ của Cộng hoà Bỉ, thị xã Cửa Lò đã triển khai dự án xử lý nước thải với số tiền đầu tư trên 100 tỷ đồng.
Có dịp đến tham quan, học tập tại Khu Di tích Lịch sử - Văn hoá Kim Liên, huyện Nam Đàn – nơi bảo tồn, gìn giữ những di tích trong gia đình, dòng họ Bác Hồ, chúng tôi nhận thấy rằng, ở đây thực sự là một mô hình kiểu mẫu về ý thức bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp. Là một khu di tích lịch sử, văn hoá có giá trị giáo dục cao, nên hàng ngày có hàng trăm lượt du khách tìm đến tham quan, nguy cơ ô nhiễm môi trường là rất cao. Xác định được điều đó, Ban Giám đốc và Công đoàn Khu Di tích đã chú trọng đến công tác giáo dục ý thức cho cán bộ, nhân viên. Hàng tuần, vào các ngày thứ 3 và thứ 6, Đoàn thành niên Khu Di tích lại tổ chức cho đoàn viên thu dọn rác thải, chăm sóc bồn hoa, cây cảnh trong toàn bộ khuôn viên khu di tích. Hàng tháng, vào các ngày 15 và 30, Công đoàn Khu di tích cũng tổ chức cho đoàn viên thu gom rác thải, bảo vệ môi trường. Ở bãi đậu xe, khu di tích cũng đầu tư đặt 10 thùng rác rất thuận tiện cho du khách khi đến tham quan.
Là một thành phố trung tâm của tỉnh Nghệ An, thành phố Vinh cũng có nhiều cách làm hay để hạn chế được tình trạng rác thải xây dựng, rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt nên nhiều tuyến phố ở đây thực sự xứng đáng là những tuyến đường mẫu mực, xanh - sạch - đẹp.
Thực tế đã chứng minh, nhờ làm tốt công tác bảo vệ môi trường, thương hiệu du lịch Nghệ An ngày càng được khẳng định.