Khu Bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò (Hòa Bình): Giữ rừng bằng tri thức bản địa người Mông

Cập nhật: 13/10/2011
Nét đặc thù sống gần rừng và sống dựa vào rừng giúp các cộng đồng dân cư có một hệ thống kiến thức và kinh nghiệm sản xuất phong phú trong việc bảo vệ, phát triển và sử dụng tài nguyên rừng. Kiến thức bản địa đã gắn liền với đời sống và sinh hoạt của người Mông ở Hòa Bình từ rất lâu đời, trong đó có nhiều kiến thức góp phần duy trì và bảo tồn giá trị đa dạng sinh học cho địa phương.

Nếp nhà của người Mông gắn liền với đại ngàn sương núi

 

Người Mông ở Hòa Bình từ xa xưa đã có những luật tục về rừng, về tổ chức, ổn định bản làng một cách khắt khe và tôn sùng vị thần rừng, thần núi. Tất cả các luật tục họ đều mang những giá trị pháp lý, ổn định cuộc sống và điều tiết hành vi của con người, trong đó có "Cái lý của người ở rừng", đó là văn hóa luật tục - pháp  lý vô giá.

Xã Hang Kia và Pà Cò thuộc vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên với tổng số trên 5.000 nhân khẩu. Trong đó, người Mông chiếm đại đa số. Đây là vùng có người Mông sinh sống duy nhất của tỉnh Hòa Bình. Do đặc điểm vị trí địa lý và địa hình - tiếp giáp giữa Bắc Trường Sơn và Tây bắc, có tính đa dạng về các hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, hệ sinh thái rừng trên núi đất và các thung lũng, Khu BTTN Hang Kia - Pà Cò có giá trị đa dạng sinh học với 1.051 loài, 639 chi, 171 họ thuộc 5 ngành thực vật bậc cao có mạch, chiếm khoảng 10% tổng số loài, 28% tổng số chi và 56% tổng số họ của hệ thực vật Việt Nam.

Các tri thức bản địa trong hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp của người Mông ở Hang Kia - Pà Cò chính là những kinh nghiệm được đúc rút và trải qua nhiều thế hệ thông qua thực tiễn sản xuất. Kinh nghiệm ấy được đúc kết qua con đường truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, trong từng gia đình và từng cộng đồng. Đó là những hiểu biết về các loài cây, các loài động vật trong rừng, kinh nghiệm về trồng trọt và chăn nuôi, chu kỳ của thời tiết.... Từ những giá trị mà rừng đem lại, người Mông biết cách đối xử, trân trọng, khai thác hợp lý và gắn bó mật thiết với từng cánh rừng, quả núi. Rừng được xem là tài sản chung của cộng đồng - rừng là cuộc sống, là hơi thở là linh hồn nghìn đời của họ.

Người Mông có luật làng, luật tục được hình thành được xem như là một triết lý đúng đắn, hợp lý của người ở rừng. Ở đây, những điều luật đó thể hiện tính cộng đồng rất cao, hợp ý và chuẩn mực mà các bản, làng, hoặc là giữa các bên dòng tộc lập nên về việc hành xử trong cuộc sống người với người, người với vạn vật thiên nhiên, người làng này với người làng kia sống sao hòa hiếu, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau. Những luật làng, luật tục của người Mông mang tính giáo dục và đạt hiệu quả khả thi ở chỗ lấy phong tục truyền thống văn hóa, tín ngưỡng làm luật tục, lấy luật tục làm văn hóa.

Người Mông trước kia có đặc điểm là sống du canh du cư do đó, họ có nhiều kinh nghiệm và kiến thức về canh tác và sử dụng đất, đặc biệt ở những vùng khô hạn. Họ có nhiều kinh nghiệm về khai thác và sử dụng các loại lâm sản. Kết quả điều tra của Trung tâm con người và thiên nhiên cho thấy, người Mông ở Hang Kia - Pà Cò đã có ý thức về bảo vệ rừng đầu nguồn. Những già làng, trưởng bản có vai trò rất lớn trong chỉ đạo hoạt động bảo vệ rừng đầu nguồn, phân bổ lượng khai thác gỗ, củi hàng năm cho từng thành viên trong cộng đồng và huy động nhân lực đi chữa cháy khi có hỏa hoạn.

Có thể nói, cách sống và ứng xử của người Mông nói riêng, đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung thể hiện được trách nhiệm là công dân của núi rừng cao nguyên đại ngàn. Sống, hành động đúng nghĩa với luật tục, cái lý đó mới có thể dung hòa, cân bằng, sinh tồn, phát triển bền vững một cách khoa học trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường sống của chính mình và nhân loại.

 

Nguồn: monre.gov.vn