Vườn quốc gia (VQG) Bái Tử Long được thiên nhiên ban tặng các tài nguyên du lịch sinh thái chủ chốt, đặc sắc và hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư cũng như khách du lịch. Muốn phát triển du lịch sinh thái bền vững trong khu vực, cần xác định tốt các vị trí, địa điểm thích hợp để cấp phép đầu tư và quản lý hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái.
Vị trí đắc địa cho du lịch sinh thái
VQG Bái Tử Long nằm trong địa giới hành chính của ba xã: Minh Châu, Vạn Yên và Hạ Long của huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Cần chú ý rằng, khu Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long bao gồm một phần vịnh Bái Tử Long. Ý tưởng xây dựng khu dự trữ sinh quyển thế giới bao gồm toàn bộ vịnh Hạ Long và Bái Tử Long mà vùng lõi là VQG Bái Tử Long đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các bên liên quan, sẽ làm nổi bật giá trị của Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Điểm đặc sắc của VQG Bái Tử Long nổi trội so với vịnh Hạ Long là hệ thống “núi đất” trên nền đá lục nguyên, khiến cho các đảo trong vịnh được bao phủ bởi màu xanh thẫm của rừng nguyên sinh so với màu xám của các đảo núi đá vôi trong khu vực vịnh Hạ Long.
Cùng với các yếu tố thích hợp về địa chất, khí hậu và thủy văn, các khu rừng nguyên sinh trong VQG Bái Tử Long có tính đa dạng sinh học rất cao về nguồn gen, đa dạng loài và đa dạng hệ sinh thái. Ven chân các đảo có nhiều vũng, có nơi rộng hàng trăm héc ta, có cả bãi bùn, bãi cát, bãi đá, chỗ thoải, chỗ sâu, kín gió, cảnh quan rất đẹp thuận lợi cho việc neo trú tàu thuyền và tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái như vụng Cái Quýt, vụng Ổ lợn, vụng Cái Đé, lạch Cống giữa hai đảo Trà Ngọ Lớn và Trà Ngọ Bé. Đặc sắc nhất là bãi tắm Chương Nẹp, bãi Ngãng Rìa thuộc xã Minh Châu và bãi Sơn Hào thuộc xã Quan Lạn, dài hàng cây số, rất bằng phẳng, hạt cát trắng mịn và sóng êm. Đây là điểm đến rất hấp dẫn khách du lịch vào mùa hè. Trong khi đó, hàng chục bãi cát nhỏ hơn tại các đảo trong địa phận VQG như Trà Ngọ, Cái Lim, Ba Mùn, Hòn Chín là địa điểm lý tưởng để xây dựng các cơ sở vật chất du lịch sinh thái chất lượng cao, quy mô nhỏ phục vụ các thị trường “ngách” khách du lịch sinh thái.
Hiện tại, các hoạt động du lịch trong khu vực VQG Bái Tử Long đã và đang diễn ra tự phát theo phương thức “vết dầu loang” truyền thống. Từ hai khu du lịch tiên phong của Tập đoàn Việt – Mỹ (ATI) và một vài nhà nghỉ, nhà hàng nhỏ chủ yếu tập trung ở khu vực thị trấn Cái Rồng vào đầu những năm 2000, sau một thập kỷ đến nay đã có 5 khu du lịch, 5 khách sạn, hàng chục nhà nghỉ với quy mô trung bình hơn 20 phòng tại thị trấn Cái Rồng và các xã Minh Châu, Quan Lạn. Đội tàu du lịch đã tăng lên hàng chục chiếc, bao gồm 3 chiếc tàu cao tốc với lịch chạy thường xuyên hơn 3 – 4 chuyến/ngày. Mỗi ngày trong mùa du lịch (tháng 6 – tháng 8 hàng năm), có hơn 1000 khách đổ đến các bãi biển trong khu vực, gây sức ép rất lớn đến chất lượng dịch vụ và các vấn đề vệ sinh môi trường tại các bãi biển này...
Các nhóm yếu tố cân nhắc
Kiến thức về lựa chọn địa điểm thích hợp và phương pháp phân khu chức năng là đòi hỏi bắt buộc trong công tác quản lý phát triển du lịch sinh thái tại VQG Bái Tử Long. Các kiến thức này xoay quanh các nhóm yếu tố cần cân nhắc như sau:
Nhóm yếu tố về khung pháp lý
Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 và Nghị định số 117 năm 2010 về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng đã quy định về việc phân khu chức năng tại các VQG ở Việt Nam: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ hành chính, vùng đệm.
Tại VQG Bái Tử Long hiện chưa thực hiện quy hoạch phát triển du lịch nên việc xác định địa điểm phát triển du lịch sinh thái chủ yếu căn cứ theo các văn bản pháp lý khác liên quan. Hiện tại ngoài một khu du lịch duy nhất tại đảo Trà Ngọ xây dựng trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, các cơ sở dịch vụ và hoạt động du lịch khác đều nằm tại phân khu hành chính dịch vụ, phục hồi sinh thái và vùng đệm. Khu du lịch tại đảo Trà Ngọ được UBND tỉnh Quảng Ninh cho thuê đất. Một số khu rừng thuộc đảo Sậu Nam được giao cho dân chăm sóc bảo vệ từ trước khi thành lập VQG. Còn lại hầu hết các khu, điểm dịch vụ du lịch khác trong VQG được xây dựng tại các khu dân cư hay theo hình thức hợp đồng hợp tác với chủ rừng. Chưa có dự án đầu tư phát triển du lịch nào trong khu vực thực hiện theo hình thức thuê môi trường rừng.
Những mối liên kết vùng
Sự liên kết với các tuyến điểm tham quan du lịch khác trong khu vực cũng là một yếu tố quan trọng cần xem xét khi lựa chọn địa điểm. Vì đại đa số khách mong muốn được trải nghiệm tối đa trong thời gian họ ở tại điểm đến, nên địa điểm càng gần các điểm tham quan du lịch chính càng hấp dẫn. Theo lý thuyết tổ chức không gian du lịch, có thể sử dụng nhiều mô hình tổ chức không gian du lịch để kết hợp các điểm tham quan du lịch như: một điểm đến duy nhất (khách đến thẳng điểm tham quan chính rồi quay về), dọc đường (khách ghé qua các điểm tham quan du lịch trên đường đi đến điểm tham quan chính), trại cơ sở (khách đến điểm tham quan du lịch chính rồi tỏa đi thăm các điểm lân cận), mô hình tour khu vực hay chuỗi điểm tham quan lại coi tất cả các điểm tham quan đều có sức hấp dẫn như nhau mà khách đều có khả năng đến thăm.
Hiện tại, khách nghỉ dưỡng biển vào mùa hè chủ yếu đi thăm VQG theo mô hình đầu tiên, tức là đi thẳng đến các điểm đến chính duy nhất tại Minh Châu hay Quan Lạn qua cửa ngõ là cảng Cái Rồng. Trong tương lai, khi lựa chọn địa điểm phát triển du lịch sinh thái tại các đảo khác trong VQG, có thể sử dụng các mô hình dọc đường hay trại cơ sở để kết nối các khu điểm du lịch sinh thái với các điểm du lịch nghỉ dưỡng biển hiện tại.
Những mối liên kết với cộng đồng địa phương
Hiện nay, dân số huyện Vân Đồn là 4 vạn người, bình quân 4,7 người/ hộ, khá thưa so với một vùng lãnh thổ rộng lớn và tiềm năng phát triển thành một khu du lịch trọng điểm trong tương lai. Thành phần gồm 8 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ khá cao (87%), chủ yếu sống ở vùng nông thôn (82%). Dân số trong độ tuổi lao động (18 – 60 tuổi) chỉ chiếm khoảng 40% dân số, chủ yếu làm việc trong ngành nông – lâm – ngư. Như vậy, xét về cả số lượng và chất lượng thì nguồn lao động chỉ đạt mức độ thuận lợi trung bình cho các dự án phát triển du lịch tại địa phương. Tuy nhiên, thái độ của người dân địa phương đối với du lịch hiện đã qua thời kỳ “hờ hững” và đang rất khả quan, họ sẵn sàng đón nhận khách du lịch đến địa phương, vì mong muốn có được một nghề mới với thu nhập và công việc ổn định hơn, nhàn hạ hơn so với nghề đi biển. Ngoài ra, cộng đồng sẵn sàng đón nhận những người đến sống và làm việc tại địa phương. Đây là điều kiện thuận lợi để khuyến khích lao động đến làm việc lâu dài cho các khu du lịch địa phương.
Đặc điểm khu vực
Nếu ba nhóm yếu tố trên thuộc về môi trường “bên ngoài”, thì đặc điểm khu vực là nhóm yếu tố “bên trong”, quyết định đến tính khả thi của các cơ hội đầu tư phát triển du lịch sinh thái. Các yếu tố cụ thể trong nhóm này bao gồm: địa hình và phong cảnh, khí hậu, hướng gió và các hiện tượng thời tiết đặc biệt, nguồn nước, đa dạng sinh học…
Hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ trong khu vực Bái Tử Long là các núi đất và núi đá vôi đặc trưng cho địa hình các-tơ với nhiều hang động và thung áng. Do chịu ảnh hưởng của thủy triều, các thung áng này tạo ra nhiều vụng kín trong lòng núi, tạo nên các thắng cảnh rất hấp dẫn du khách. Tiêu biểu của dạng địa hình này là hòn Thiên Nga, hòn Con Quy, hòn Thạch Mã, hòn Bàn Cờ Tiên, hang Luôn Cái Đé, áng Trà Thần, Ao Tiên, điểm ngắm san hô Mang Khơi, điểm ngắm cảnh quan rừng ngập mặn vụng Cái Quýt…
Các bãi biển vừa có giá trị thẩm mỹ về cảnh quan vừa là nơi tổ chức các hoạt động du lịch biển chủ chốt như tắm biển, phơi nắng hay trò chơi thể thao giải trí trên mặt nước. Ngoài yếu tố chất lượng nước biển sạch và trong, sóng êm vỗ vào bờ, các bãi biển phải thoải, không có các hố lún sụt, không có các bãi đá có hà, cát trắng hoặc vàng, và diện tích càng lớn càng tốt. Trong khu vực có rất nhiều các bãi biển đạt tiêu chuẩn như vậy, chủ yếu nằm tập trung trên đảo Minh Châu – Quan Lạn, và rải rác ở một số khu vực khác như Bản Sen, Cái Lim, Trà Ngọ, Hòn Chín.
Yếu tố đáng chú nhất trong việc xác định địa điểm phát triển du lịch sinh thái trong khu vực VQG là hướng và tốc độ gió. Các địa điểm tốt sẽ nằm ở hướng Tây các đảo hay tại các bãi ven các tùng áng, vũng vịnh kín gió được các đảo bao quanh.
Trong khu vực VQG Bái Tử Long, nguồn nước sinh hoạt cho du khách chủ yếu được cung cấp bởi sông Tiên Yên, sông Mang và các sông, suối nhỏ trên các đảo. Chất lượng nước tại các đảo rất tốt, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng nước sinh hoạt đã được các cơ quan chức năng công bố.
Một số địa điểm tồn tại các loài động thực vật tiêu biểu có thể phục vụ phát triển du lịch sinh thái trong VQG Bái Tử Long bao gồm: các cánh rừng ngập mặn trên đảo Cái Lim, thung áng Cái Đé, vụng Cái Quýt, vụng Ổ Lợn; các thảm cỏ biển và động vật biển quý hiếm sống trong các khu vực này như bò biển, rùa biển, ốc nhảy, tôm rảo… tại Chương Di, sông Mang, vụng Lỗ Hố; rạn san hô và sinh vật biển trên rạn tại Mang Khơi, Đầu Cào; các loài động thực vật quý hiếm như trai lý, kim giao, tắc kè đá, tuế, lan hài, khỉ vàng, sơn dương, chim hồng hoàng trên đảo Trà Ngọ…
Hành động cụ thể
Ban quản lý VQG Bái Tử Long cần hoàn thiện chỉnh sửa quy hoạch chung xây dựng VQG Bái Tử Long đến năm 2025, trong đó nghiên cứu phát triển không gian các khu chức năng của VQG, đảm bảo thuận lợi cho việc phân vùng quản lý xây dựng khai thác cũng như bảo tồn, liên kết mạch lạc và thông suốt giữa các khu chức năng, giữa VQG với cơ sở hạ tầng bên ngoài. Quy hoạch cũng có nhiệm vụ tổ chức không gian các điểm dân cư nông thôn trong địa giới hành chính của vườn, đồng thời đề xuất tổ chức không gian các khu trung tâm và các tuyến điểm khai thác du lịch sinh thái.
Ban quản lý VQG cần chủ trì việc lập đề cương, xin kinh phí và tổ chức thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch sinh thái cho vườn. Đồng thời, cần hợp tác với các cơ quan chức năng hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan như quy chế quản lý dịch vụ du lịch sinh thái, cơ chế chính sách cho thuê môi trường rừng, cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch sinh thái, quy chuẩn về xây dựng và vận hành các cơ sở dịch vụ du lịch sinh thái, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ du lịch…
UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan tìm kiếm và phân bổ nguồn kinh phí đầu tư phát triển một số cơ sở tầng thiết yếu tại các địa điểm trọng điểm phát triển du lịch sinh thái trong vườn: cầu tàu và hạ tầng bến bãi, phương tiện thu gom và xử lý chất thải, hệ thống cấp nước sạch, hệ thống cấp điện… nhằm tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái tại VQG Bái Tử Long.