Đầu tư gần 1.300 tỷ đồng trùng tu kinh thành Huế

Cập nhật: 02/11/2011
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa quyết định phê duyệt dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế giai đoạn 2011 - 2015 với tổng mức đầu tư 1.282 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu về văn hóa của Chính phủ và các nguồn vốn xã hội hóa.

Đây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại quần thể di tích cố đô Huế nhằm tạo hình ảnh Kinh thành Huế xứng tầm với giá trị của một di tích trọng yếu trong quần thể kiến trúc đã được công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại.

Dự án do Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế làm chủ đầu tư, tập trung vào tu bổ, tôn tạo lớp thành ngoài của kinh thành Huế (chu vi khoảng 10km); giải tỏa gần 1.000 hộ dân sống trên khu vực thượng thành và Eo bầu ở Kinh thành Huế; tu bổ toàn bộ hệ thống kè hào hầu hết đã bị hư hỏng sạt lở, nạo vét lòng hào đã bị bồi lấp; tu bổ tường thành, gia cường, chỉnh trang hệ thống cầu cống…

Kinh thành Huế là một trong những thành lũy thời cận đại còn ở Đông Dương và cũng là thành lũy còn lại nguyên vẹn nhất ở Việt Nam. Công việc xây dựng kinh thành Huế được khởi xướng từ năm 1803 đến tận năm 1832 mới hoàn tất. Với mục đích phòng thủ là chính, mặt bằng của thành có dạng hình vuông hơi khum ở phía trước theo địa hình dải đất dọc bờ sông Hương, mỗi mặt có các cổng thành, trên có vọng lâu dùng để quan sát. Các mặt thành lại được xây khúc khuỷu với những pháo đài được bố trí cách đều nhau, kèm theo các pháo nhãn, đại bác, kho đạn... Thêm vào đó, hệ thống hào bao bọc ngay bên ngoài được đào gần 10km chiều dài. Riêng hệ thống sông đào (Hộ Thành Hà) vừa mang chức năng bảo vệ, vừa có chức năng giao thông đường thủy, có chiều dài hơn 7 km (đoạn ở phía Tây là sông Kẻ Vạn, đoạn phía Bắc là sông An Hòa, đoạn phía Đông là sông Đông Ba, riêng đoạn phía Nam dựa vào sông Hương).

Với những giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc, Kinh thành Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1993. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến động lịch sử, sự tác động của môi trường tự nhiên và con người, hiện nay kinh thành Huế đã có nhiều đoạn xuống cấp trầm trọng./.

 

Nguồn: ĐCSVN