Tọa đàm Báo chí với môi trường làng nghề

Cập nhật: 03/11/2011
Ngày 1/11, Tạp chí Môi trường (Tổng cục Môi trường) đã tổ chức tọa đàm và khảo sát thực tế cho phóng viên báo chí của các cơ quan truyền thông đại chúng về các vấn đề môi trường làng nghề tại tỉnh Bắc Giang.

Tham dự có ông Hoàng Minh Đạo, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm Môi trường, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Bắc Giang, ông Đỗ Thanh Thủy, Tổng biên tập Tạp chí Môi trường, ông Lưu Duy Dần, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Bà Đặng Kim Chi, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cùng hơn 20 phóng viên báo chí của các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương Bắc Giang.

Hiện nay, cả nước có 3.355 làng nghề. Tình hình ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đang rất nghiêm trọng nhất là các tỉnh thành khu vực phía Bắc, Bắc trung Bộ như Hà Nội, Bắc Ninh, các tỉnh thuộc khu vực Sông Hồng, một số tỉnh miền Trung, khu Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh….

Trong các làng nghề, tỷ lệ người mắc bệnh và và triệu chứng cao nhất là về các nhóm bệnh tai mũi họng, mắt, da liễu, bệnh về đường tiêu hóa, bệnh nhiễm độc kim loại, ưng thư. Tác hại do ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động trong các làng nghề đang có xu hướng tăng lên.  

Tại buổi tọa đàm, Bà Nguyễn Hoàng Ánh, Trưởng phòng Kiểm soát  ô nhiễm đất và nước, Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết tình hình thực thi pháp luật làng nghề còn yếu kém, số vụ thanh tra kiểm tra đối với làng nghề rất hạn chế, công tác quy hoạch phát triển, di dời còn nhiều bất cập, quan trắc môi trường còn bị bỏ ngỏ, đầu tư ngân sách hạn hẹp. Các cơ sở trong làng nghề không có hồ sơ thủ tục về môi trường, làng nghề  không xử lý được chất thải đạt Quy chuẩn, không nộp phí bảo vệ môi trường, không tuân thủ các quyết định thanh tra, cưỡng chế. Làng nghề không có kết cấu hạ tầng bảo vệ môi trường.

Theo bà Ánh cần ban hành chính sách phát triển “mảng sáng”: hỗ trợ kinh phí, đào tạo nhân lực, mở rộng thị trường… ban hành chính sách và lộ trình xóa bỏ “mảng tối”: ô nhiễm môi trường làng nghề nghiêm trọng, xây dựng hệ số và lộ trình áp dụng Quy chuẩn, ban hành các văn bản chuyên biệt cho làng nghề.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang cho biết Bắc Giang có 33 làng nghề trong đó có 14 làng nghề truyền thống và 19 làng nghề đã được UBND tỉnh quyết định công nhận, hoạt động sản xuất tập trung ở các huyện Việt Yên, Yên Dũng, Yên Thế, Lục Ngạn, Lục Nam như các làng nghề nấu rượu ở xã Vân Hà, làng nghề mây tre đan ở xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên…

Bên cạnh những mặt phát tiển tích cực của làng nghề, tình hình ô nhiễm môi trường có chiều hướng gia tăng, một số nơi tình trạng ô nhiễm đã trở nên nghiêm trọng làm ô nhiễm nguồn nước, tiếng ồn ảnh hưởng đến môi trường xã hội… Ông Sơn cho rằng cần sớm ban hành Thông tư quy định về BVMT làng nghề, xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật môi trường phù hợp với quy mô, điều kiện hoạt động BVMT tại các làng nghề, cũng như sớm hoàn thiện Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.

Còn Bà Đặng Kim Chi, Hội Bảo vệ Thiên nhiên Việt Nam cho rằng hiện nay thiếu chế tài xử phạt các hành vi vi phạm bảo vệ môi trường làng nghề, thẩm quyền của địa phương còn hạn chế, nguồn tài chính, trợ giúp kỹ thuật và cung cấp thông tin về kĩ thuật công nghệ mới thân thiện môi trường còn ít ỏi, nhận thức  quan tâm và tham gia của các hộ sản xuất nghề trong bảo vệ môi trường còn hạn chế.

Bảo vệ môi trường và phát huy hiệu quả thế mạnh của làng nghề là vấn đề quan trọng nhằm đảm bảo sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội.

Môi trường làng nghề thật sự được cải thiện khi cộng đồng dân cư trong làng nghề nhận thức được sự cần thiết và với vị trí vai trò trách nhiệm của người chủ cơ sở sản xuất hay cán bộ quản lí có các hành động cụ thể tích cực góp phần từng bước giảm thiểu các tác động ô nhiễm do hoạt động sản xuất.

Vai trò của truyền thông môi trường là rất quan trọng góp phần cung cấp thông tin cầu nối giữa các đối tượng trong cộng đồng dân cư làng nghề cũng như giữa các làng nghề với nhau nhằm góp phần phát triển làng nghề bền vững.

Trong buổi sáng 1/11, đoàn đã tiến hành khảo sát tình hình thực tế tại Làng nghề nung vôi xã Hương Vỹ, huyện Yên Thế. Ngày 2/11, đoàn sẽ tiếp tục khảo sát tại làng nghề nấu rượu Vân, xã Vân hà, huyện Việt Yên, làng nghề làm bún Khắc Niệm, Bắc Ninh và làng nghề Bát Tràng.

Nguồn: VEA