Australia tôn vinh thủ lĩnh môi trường Việt Nam

Cập nhật: 17/11/2011
Anh Nguyễn Văn Duyên - Cựu du học sinh trường Đại học Công nghệ Curtin (Australia) vừa được trao Giải thưởng tôn vinh cựu du học sinh Australia có cống hiến thúc đẩy phát triển xã hội bền vững. Với anh điều quan trọng nhất khi thực hiện công tác bảo vệ môi trường là phải có tinh thần vì cộng đồng.

Anh hiện là quản trị Mạng lưới môi trường Việt Nam (VEN) dành cho các cán bộ, chuyên gia, tư vấn đang làm việc độc lập hoặc tại tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ trong nước và quốc tế, các trường đại học, viện nghiên cứu và những người mong muốn chia sẻ niềm đam mê của mình để phát triển môi trường.

 

* Anh có cảm xúc gì khi nhận được Giải thưởng này?

 

- Tôi rất vui. Nước Úc đã thay đổi cách nhìn của tôi về môi trường. Năm 1995, khi tôi nhận được Học bổng Phát triển của Australia, tôi học tập và sống ở đất nước này, tôi đã có cách nhìn mới, hiểu rõ tầm quan trọng của bảo vệ môi trường. Năm 2000, tôi tiếp tục học về pháp luật môi trường ở Đại học Công nghệ Curtin, khi đó tôi bắt đầu tiếp cận khái niệm "biến đổi khí hậu" còn mới mẻ ở Việt Nam, song đã được giới khoa học, truyền thông Australia biết sâu rộng. Tôi xây dựng và tập hợp mọi người trong Mạng lưới Môi trường Việt Nam cũng bởi đam mê bảo vệ môi trường tôi được nuôi dưỡng từ những năm tháng ấy. Làm môi trường không phải để làm giàu mà để phục vụ cộng đồng. Điều quan trọng khi bạn làm việc về môi trường, bạn phải có tinh thần vì mọi người. Đây là vinh dự của tôi cũng như của Mạng lưới VEN với hơn 200 thành viên.

 

* Thời gian gần đây, các diễn đàn về môi trường, câu lạc bộ về môi trường, biến đổi khí hậu như VEN hoạt động khá sôi nổi. Theo anh đây có phải là một trào lưu trong thời đại số, công dân mạng phát triển?

 

- Vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu đều mới nên đòi hỏi cách tiếp cận mới. Có thể các cách tiếp cận và ứng xử truyền thống chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Hơn nữa, vấn đề này cần sự nỗ lực của nhiều người, nhiều ngành trong xã hội. Và các diễn đàn trên mạng là phương tiện tốt để tạo sức lan tỏa đối với các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu đang "nóng" dần lên. Đơn cử như Mạng lưới Môi trường Việt Nam (VEN) của chúng tôi có hơn 200 thành viên, hoạt động từ năm 2006. Để gặp nhau bàn luận, có lẽ chỉ khoảng 20-30 người. Nhưng với các công cụ trên internet, hơn 200 người chúng tôi có thể cùng thảo luận rất dễ dàng.

 

* Vậy lợi thế và hạn chế của việc hoạt động môi trường qua các diễn đàn trên mạng là gì, thưa anh?

 

- Từ góc độ làm việc ở Mạng lưới Môi trường Việt Nam trong 5-6 năm qua, tôi nhận thấy lợi thế lớn nhất là thảo luận chính sách. Ở các diễn đàn trên mạng, các thành phần tham gia hết sức đa dạng, từ các cơ quan Chính phủ, cơ quan phát triển quốc tế, tổ chức phi Chính phủ, viện nghiên cứu, trường đại học… Chúng tôi không bị hạn chế về chủ đề, có thể thoải mái đưa ra quan điểm. Chính bởi tính chất mở mà việc thảo luận và chia sẻ thông tin từ các diễn đàn hết sức phong phú. Tuy nhiên, do các diễn đàn thường mang tính tự nguyện, ít tính pháp lý nên để các thảo luận áp dụng trong thực tế, còn cần rất nhiều hoạt động thực tiễn.

 

* Được biết tới đây anh sẽ hoạt động trong Ủy hội Sông Mê Công quốc tế, quan điểm của anh về việc xây dựng đập thủy điện hiện nay?

 

- Để phục vụ sự phát triển kinh tế, thời gian qua, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia ồ ạt xây dựng đập thủy điện. Song nhiều đập thủy điện mới đáp ứng được mục tiêu phát điện mà chưa tham gia điều tiết lũ, bảo vệ môi trường. Quan điểm của chúng tôi là đập thủy điện phải đáp ứng đa mục tiêu, các quốc gia nên có quy hoạch thủy điện một cách hợp lý để không ảnh hưởng quá nhiều đến môi trường, sinh thái và xa hơn là cuộc sống người dân.

 

* Xin cảm ơn anh.

Nguồn: monre.gov.vn