Theo nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch, Đà Lạt là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, dịch vụ đầu mối giao lưu kinh tế quan, là tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng. Đây cũng là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng quốc gia và quốc tế; đồng thời là trung tâm nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ cấp quốc gia; trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp và bảo vệ sự đa dạng sinh học;...
Quy mô dân số hiện trạng của Đà Lạt là 515.789 dân, tỷ lệ đô thị hóa 52%. Dự báo quy mô dân số đến năm 2020, khoảng 620-650 nghìn người, tỷ lệ đô thị hóa từ 55-60%; đến năm 2030, khoảng 700-750 người, tỷ lệ đô thị hóa từ 60-65%.
Dự báo khách du lịch đến năm 2020 khoảng 5-6 triệu người và tăng lên khoảng 9 -10 triệu người đến năm 2030.
Hạn chế mở rộng khu vực nội thành hiện hữu
Về định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, cần đề xuất định hướng phát triển không gian đô thị và ranh giới mới cho thành phố Đà Lạt trên cơ sở thành phố Đà Lạt hiện hữu và vùng phụ cận có đặc điểm thời tiết khí hậu tương đồng.
Cụ thể, xác định ngưỡng phát triển về quy mô dân số đối với khu vực nội thành phố Đà Lạt để giảm sức ép dân cư, nâng cao chất lượng và điều kiện sống, bảo tồn được không gian, kiến trúc, cảnh quan đặc thù của đô thị.
Bên cạnh đó, hạn chế mở rộng khu vực nội thành hiện hữu, phát triển các khu vực đô thị, khu đô thị mới gắn với các khu vực động lực phát triển kinh tế như khu làng đại học, khu du lịch, khu công nghiệp công nghệ cao, khu thể dục thể thao, sân bay... tại các khu vực ngoại thành và các huyện: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà.
Đồng thời, hạn chế phát triển các khu dân cư đô thị dọc theo các tuyến giao thông hướng vào trung tâm thành phố.
Đặc biệt, tổ chức các vùng đệm giữa khu vực nội thành với các khu vực đô thị bằng các không gian xanh như: Rừng thông, vùng trồng hòa, các khu du lịch sinh thái...
UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch. Thời gian lập đồ án quy hoạch là 12 tháng, kể từ khi nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.