Đẹp lạ kiến trúc Cầu Ngói ở Nam Định

Cập nhật: 08/12/2011
Cầu Ngói hay cầu thượng gia hạ kiều (trên là nhà, dưới là cầu hay dưới là ao, ngòi...) là kiến trúc thường gặp ở một số tuyến giao thông đường bộ huyết mạch của Việt Nam xưa.

Hiện tại cả nước Việt Nam chỉ còn một số cầu như vậy ở vài nơi: như cầu ngói Thanh Toàn - Huế (cách đây chừng 300 - 400 năm), chùa cầu Hội An do người Nhật xây (cách đây chừng 400 năm), cầu ngói Phát Diệm…

Tại chùa Lương - xã Hải Anh, Hải Hậu, Nam Định cũng có một cây cầu kiến trúc như vậy. Đó là cầu Ngói chùa Lương, cách đây chừng 300 - 400 năm vào thời Lê. Cầu Ngói, chợ Lương là một trong ba cây cầu đẹp nhất miền Bắc Việt Nam.

Cầu bắc ngang sông Trung Giang. Chùa Lương (hay còn gọi là chùa trăm gian) tên chữ là Phúc Lâm Tự được xây dựng vào đời vua Lê Hồng Thuận (1509 - 1515) cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16, khi việc quai đê lấn biển đã giành nhiều kết quả. Cầu ngói cách chùa Lương khoảng 100m, nằm ngay trên con đường dẫn vào chùa, gắn với ngôi chùa thành một cụm di tích.

Toàn bộ cầu 9 gian gỗ lim bắc trên hai hàng cột đá to đẹp với hệ thống cột xà dầm, bố cục chặt chẽ, gia công tỷ mỉ với bàn tay tài hoa người thợ Quần Anh. Kỹ thuật trạm mộc đạt trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao, khéo léo tạo bộ khung nhà cầu vừa cong uốn lượn mềm mại, mái ngói nam trông như con rồng duyên dáng đang vươn mình bay lên.

Cầu tuy trạm, khắc đơn giản song thể hiện hài hoà nét kiến trúc cổ truyền. Cầu là nơi đi lại và dừng chân khách bộ hành nghỉ ngơi ngắm cảnh sông nước, làng quê. Năm 2010, chùa được tu bổ và sơn màu lại. Nếu có dịp về thăm những địa điểm du lịch huyện Hải Hậu như bãi biển Thịnh Long, vườn quốc gia Xuân Thủy… bạn đừng bỏ sót cây cầu cổ này nhé.

Nguồn: Website giadinh.net.vn