Quy hoạch phát triển theo hướng bền vững là giải pháp tốt nhất để Bảo vệ tài nguyên & môi trường vùng núi Ba Vì (Hà Nội)

Cập nhật: 21/12/2011
Đó là tiếng nói của đông đảo các nhà khoa học, cán bộ quản lý và doanh nghiệp tham dự Hội thảo “ Đánh giá thực trạng và kiến nghị các giải pháp bảo vệ môi trường vườn Quốc gia Ba Vì” do VACNE tổ chức ngày 20/12/2011, tại Hà Nội.

Những ý kiến thẳng thắn, báo cáo khoa học khách quan được trình bày tại Hội thảo này đã làm rõ thêm nhiều vấn đề đang được xã hội quan tâm, mà Liên hiệp các Hội Khoa học Việt Nam (VUSTA) giao cho Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) thực hiện.

Một điều rất đáng quan tâm là: tất cả các báo cáo tham luận tại Hội thảo, cũng như những ý kiến đóng góp bằng văn bản sau khi kết thúc đều rất chân thành, với thái độ đúng mực và có trách nhiệm với người dân, vì sự phát triển bền vững của vùng núi Ba Vì.

Tất cả các nội dung trong báo cáo Tổng hợp về dư luận xã hội trong thời gian gần đây, do đại diện Ban Phản biện của VACNE đưa ra, đều được các đại biểu “mổ xẻ” kỹ lưỡng và đại diện các đơn vị liên quan giải trình nghiêm túc.  Cụ thể là các thông tin phản ánh về các hoạt động: khai thác khoáng sản, lấn chiếm đất đai bừa bãi; các công trình thủy lợi, du lịch, đường xá, cáp treo…ở vùng đệm cũng như vùng lõi vườn quốc gia Ba Vì, đang phá vỡ cảnh quan, đe dọa nghiêm trọng về Đa dạng sinh học đã được khảo sát kiểm tra khách quan, nghe phản ánh từ nhiều nguồn, với những góc nhìn khác nhau. Vì thế, có nhiều vấn đề dư luận bức xúc trước đây đã được giải tỏa. Các hoạt động khai thác Pyrit, Amiăng, vàng đã dừng từ nhiều năm trước, cũng như các Dự án xây dựng sân gôn, cáp treo lên đỉnh Ba Vì… đã bị các cơ quan chức năng hủy bỏ, nhưng vẫn có sự nhầm lẫn thông tin về thời gian cũng được khơi thông.

Nhưng ngay tại Hội thảo này, một số vấn đề bức xúc về môi trường và phát triển trong khu vực VQG Ba Vì và các xã vùng đệm cũng được thẳng thắn nêu ra. Điển hình là: tình trạng để một số khu du lịch lấn vào phân khu phục hồi sinh thái; Biến hồ thủy lợi thành hồ chứa nước cho du lịch; Quy hoạch và quản lý resort du lịch dưới tán rừng, cho thuê rừng làm Du lịch; Chưa có kế hoạch đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân vùng đệm; Chưa chú ý phòng ngừa đúng mức một số cây ngoại lai (Mai dương và cây Hoa ngũ sắc) đang xâm lấn vườn quốc gia…

Các đại biểu dự Hội thảo này còn được một số doanh nghiệp, Trung tâm giới thiệu về kết quả xây dựng các mô hình du lịch, phát triển các loại động thực vật đặc hữu làm thuốc, làm thực phẩm…đang được triển khai hiệu quả ở huyện Ba Vì.

Phát biểu kết luận Hội thảo này, TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch VACNE đánh giá rất cao kết quả nghiên cứu khách quan, những đóng góp thẳng thắn của các nhà khoa học, cũng như tinh thần trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các tổ chức xã hội với vùng núi Ba Vì- một vùng sinh thái, địa chất, văn hóa, tâm linh…hết sức đặc biệt.

Qua những ý kiến tại Hội thảo này đã khẳng định: thực trạng quy hoạch, quản lý và phát triển ở đây đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, song còn nhiều vấn đề phải quan tâm. Đặc biệt, phải biết gắn kết chặt chẽ giữa bảo vệ tài nguyên môi trường với việc phát triển bền vững, mà cốt lõi là đảm bảo sinh kế cho ngwoif dân, tôn trọng bản sắc văn hóa của địa phương./. 

Nguồn: Văn phòng VACNE