Đô thị xanh và hướng phát triển tương lai

Cập nhật: 26/12/2011
Thái Lan là một trong số ít quốc gia đề xuất vấn đề đô thị xanh từ rất sớm. Thái Lan đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng môi trường, đó là hậu quả của quá trình tăng trưởng kinh tế và dân số nóng.

Đi kèm theo đó là quá trình đô thị mở rộng và thay đổi nhanh. Ngoài ra, công nghệ hiện đại đã gây ra những vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đang diễn ra tại hầu hết các TP, ảnh hưởng đến điều kiện sống của dân cư đô thị. Vì vậy, chính quyền địa phương trong từng TP cụ thể ngoài đáp ứng nhu cầu hạ tầng và dịch vụ công cộng, phải đóng một vai trò quan trọng hơn trong quản lý môi trường đô thị bằng cách xây dựng kiến thức, kỹ thuật và phương pháp luận, tiêu chuẩn chung, để giảm bớt các vấn đề ô nhiễm môi trường.

Gần đây tại Hàn Quốc vấn đề đô thị xanh đã được đề cập trong quy hoạch đô thị xanh hàm lượng carbon thấp. Quy hoạch này bao gồm cả quy hoạch cơ bản và kế hoạch quản lý đô thị nhằm đối phó với thảm họa môi trường tự nhiên do biến đổi khí hậu bằng cách phát triển không gian đô thị xanh với hàm lượng carbon thấp. Nội dung của quy hoạch: Mô tả hiện trạng cũng như dự báo về hiệu ứng nhà kính; thiết lập kế hoạch để ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu. Quy hoạch này đã được áp dụng trong khảo sát, lập quy hoạch chiến lược không gian xây dựng đảo Ulleung-gun xanh.

Vấn đề đô thị xanh ở Việt Nam

Hiện nay Việt Nam chưa có một khái niệm nào rõ ràng, cụ thể về đô thị xanh. Tuy nhiên trong các văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn cũng đã đề cập đến phần xanh trong đô thị, đó là hệ thống cây xanh, mặt nước. Cụ thể Luật Quy hoạch đô thị, tại Điều 33 về nội dung thiết kế đô thị, Luật đã quy định không gian cây xanh, mặt nước, sân vườn là một nội dung cần thiết trong các đồ án quy hoạch. Tại Khoản 2, Điều 58, nguyên tắc quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, Luật yêu cầu phải xin phép cơ quan quản lý có thẩm quyền khi có các hành động ảnh hưởng đến cây xanh. Vấn đề cây xanh đô thị cũng được nêu tại Điều 68 “Quản lý cây xanh, công viên, cảnh quan tự nhiên và mặt nước”. Bên cạnh đó, Nghị định 37 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị có nêu tại Mục b, Khoản 5, Điều 15. Nội dung đồ án quy hoạch chung TP trực thuộc Trung ương yêu cầu xác định công viên cây xanh và không gian xanh, mặt nước là một trong các định hướng phát triển không gian cho khu vực đô thị trung tâm. Điều 17, nội dung đồ án quy hoạch chung thị trấn, đô thị loại V chưa công nhận là thị trấn Nghị định yêu cầu phải xác định công viên cây xanh và không gian mở của đô thị trong Định hướng phát triển không gian. Về nội dung đồ án quy hoạch chi tiết được quy định tại Điều 20, Nghị định quy định phải xác định tổ chức cây xanh công cộng, sân vườn, cây xanh đường phố và mặt nước trong khu vực quy hoạch. Ngoài ra, Thông tư 34 của Bộ Xây dựng ngày 30/9/2009 có một số nội dung quy định về cây xanh đô thị. Theo đó, quy định công viên cây xanh thuộc hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và đưa ra hai chỉ tiêu về cây xanh để làm căn cứ khi phân loại đô thị, đó là chỉ tiêu đất cây xanh đô thị (từ 5 - 15m2/người) và chỉ tiêu đất cây xanh công cộng khu vực nội thị (từ 3 - 7m2/người). So sánh chỉ tiêu đất cây xanh đô thị mà Thông tư quy định với chỉ tiêu cây xanh thực tế tại một số đô thị như: Thái Nguyên, Nha Trang, Phú Thọ, Cam Ranh... có thể nhận thấy chỉ tiêu đất cây xanh đô thị hiện tại ở nhiều đô thị Việt Nam cũng đã đạt được theo quy định.

Mô hình đô thị xanh ở Việt Nam

Trong những năm gần đây vấn đề quy hoạch đô thị xanh thị đã có những chuyển biến tích cực, chính quyền các đô thị đã dần nhận ra vai trò của không gian xanh đô thị trong gắn kết hài hòa các yếu tố tự nhiên - con người - xã hội, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường sống và cảnh quan đô thị, dần trở thành mục tiêu trọng tâm hàng đầu trong quy hoạch phát triển đô thị theo hướng bền vững. “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định phê duyệt số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 là một điển hình về quy hoạch đô thị xanh ở Việt Nam.

Ngay từ quan điểm phát triển, quy hoạch đã khẳng định Hà Nội sẽ là TP “xanh” bền vững về môi trường; đô thị sinh thái, gắn kết hài hòa các yếu tố tự nhiên - xã hội - con người; xây dựng TP cân bằng giữa yếu tố bảo tồn và phát triển mới. Đây là mục tiêu hàng đầu bên cạnh các mục tiêu “văn hiến - văn minh - hiện đại”. Không gian xanh của Hà Nội được quy hoạch chiếm tỷ trọng lớn trong tổng diện tích tự nhiên toàn TP, gồm đất nông nghiệp, lâm nghiệp, sông hồ ao, không gian mở ven mặt nước và các công viên trong đô thị.

Vấn đề đô thị xanh được xem là trọng tâm và mục tiêu phát triển trong quy hoạch của nhiều TP trên thế giới nhằm cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn mới. Tuy nhiên khái niệm về đô thị xanh vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Vì vậy cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa ra được khái niệm và các tiêu chuẩn về đô thị xanh áp dụng cho các đô thị Việt Nam.

Cần rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn để bổ sung và hoàn thiện hơn nữa nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển đô thị xanh hiện tại và tương lai. Ngoài cây xanh công cộng, cần quan tâm hơn nữa đến hệ thống cây xanh nằm trong các công trình tư nhân như nhà ở đơn lẻ, cơ quan... Xác định thêm vai trò của sân golf trong đô thị xanh ở hiện tại và tương lai.

Quy hoạch đô thị cần phải đặt yếu tố xanh lên hàng đầu. Không gian xanh đô thị không chỉ có cây xanh đường phố, công viên mặt nước mà cần phải có cái nhìn toàn diện hơn bao gồm các hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh, thị trấn sinh thái, công viên sinh thái, khu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, vùng trồng hoa, vùng bảo tồn cây xanh, trục xanh cảnh quan... Cần phải nhận thức đầy đủ các yếu tố trên trong quy hoạch và quản lý quy hoạch không gian xanh của đô thị xanh hiện đại.

 

Nguồn: Monre