Tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2011

Cập nhật: 29/12/2011
Ngày 28/12, Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2011 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã diễn ra tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái chủ trì hội nghị.

Trong năm 2011, công tác tổ chức và quản lý lễ hội ở các địa phương đã được chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện theo những quy định tại các văn bản của Chính phủ và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hướng dẫn nghiệp vụ trong việc khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của lễ hội. Lễ hội được tổ chức phù hợp với thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế của mỗi địa phương, tạo không khí lành mạnh. phấn khởi cuốn hút du khách. Lễ hội đã thực sự hấp dẫn và cuốn hút du khách tham gia, lượng du khách tham dự lễ hội tăng cao, trong mùa lễ hội xuân năm 2011, số lượng người về dự các lễ hội tăng vượt trội so với các năm trước: Đền Hùng gần 4 triệu lượt, Yên Tử 1,2 triệu lượt, Chùa Hương 1,5 triệu lượt, Đền Cửa Ông 24 vạn, Bái Đính trên 1 triệu lượt, Đền Trần 60,2 vạn, Côn Sơn, Kiếp Bạc 70.000 lượt, Hội chợ Viềng và Khu di tích Phủ Giầy 70 vạn lượt, Đền Gióng 14 vạn, Hội Lim 22 vạn, Đền Bà Chúa Kho 30,5 vạn, Đền Trần, Đền Tiên La (Thái Bình) 20 vạn, Bà Chúa Xứ (An Giang) trên 70 vạn, Bà Chúa Thiên Hậu (Bình Dương) hơn 1,5 triệu lượt người, lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh) 1,5 triệu người…

Phần lễ tổ chức trang trọng, linh thiêng và thành kính, chương trình tham gia phần hội phong phú hấp dẫn, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo xu hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian, diễn xướng dân gian, dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc để quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2011 còn tồn tại một số hạn chế: Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Quy chế lễ hội, giữ gìn sự tôn nghiêm nơi thờ tự, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, đặc biệt ý thức của người đi lễ hội chưa có chuyển biến tích cực; Lễ hội dân gian lớn được tổ chức quy mô và cầu kỳ hơn trước song cơ sở vật chất, hệ thống hạ tầng đặc biệt là hình thức dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu mật độ đông của du khách, yếu tố tâm linh suy giảm; Tình trạng xâm hại di tích, tuỳ tiện tu sửa, tôn tạo không xin phép cơ quan quản lý đã làm phá vỡ yếu tố nguyên gốc của di tích, một số đơn vị trong việc thực hiện công đức gây lãng phí và phản cảm; Hiện tượng nâng giá, ép giá, lưu hành ấn phẩm không được phép xuất bản, hành khất, đeo bám khách du lịch chưa giảm ở một số lễ hội lớn. Hiện tượng khấn thuê, đốt đồ mã, tuỳ tiện, bói toán cờ bạc trá hình, xả rác tuỳ tiện trên đường lên di tích, trong ngoài nơi thờ tự, các hiện tượng ăn xin, móc túi, xóc thẻ, tổ chức trò chơi mang tính cờ bạc, tình trạng trộm cắp vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để.... làm giảm đi tính tôn nghiêm và những nét đẹp văn hoá trong hoạt động lễ hội gây nên sự bức xúc của dư luận và báo giới (Lễ hội Chùa Thầy, lễ hội chùa Hương... và một số lễ hội ở Hà Nội).

Tại Hội nghị, nhiều các ý kiến cho rằng, để công tác quản lý và tổ chức lễ hội đạt kết quả, trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện một số nhiệm vụ: Tiếp tục xây dựng và ban hành văn bản về công tác quản lý và tổ chức lễ hội và các văn bản liên quan tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động tín ngưỡng tôn giáo nói chung và công tác tổ chức quản lý hoạt động văn hoá lễ hội trên phạm vi toàn quốc; Tiến hành kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2012, trong đó có một số lễ hội lớn như lễ khai ấn Đền Trần, lễ hội Chùa Hương, lễ hội Yên Tử, lễ hội Đền Hùng, lễ hội Bà Chúa Xứ và một số tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc. Tổ chức tốt lễ hội khai ấn Đền Trần năm 2012; Phối hợp với Chính quyền các cấp chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện nếp sống văn hoá minh tại các công trình tín ngưỡng: có hướng dẫn cụ thể việc đặt hòm công đức; không để xảy ra tình trạng đặt tiền công đức, tiền “giọt dầu”, tiền cầu lộc tuỳ tiện gây phản cảm, thiếu mỹ quan và làm ảnh hưởng đến di tích. Chú trọng quản lý hàng quán, bãi để xe, giữ gìn vệ sinh, môi trường tại các khu du lịch, điểm du lịch và khu vực lễ hội, không để tình trạng nâng giá dịch vụ, bắt chẹt khách... tạo điều kiện cho du khách tham gia lễ hội; Tiếp tục tổ chức các hội thảo chuyên đề về công tác tín ngưỡng tôn giáo để bàn sâu về những vấn đề như: mối quan hệ giữa tín ngưỡng tôn giáo và xây dựng nếp sống văn hoá trong cưới, tang và lễ hội; Phân biệt giữa mê tín và tín ngưỡng...


Nguồn: ĐCSVN