Bảo tồn hành lang đa dạng sinh học Trung Trường Sơn

Cập nhật: 03/01/2012
Ngày 29/12, tại Hà Nội, Cục bảo tồn đa dạng sinh học - Tổng cục Môi trường đã tổ chức hội thảo đánh giá nhanh kinh tế vĩ mô và áp lực phát triển tại 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Đây là Chương trình trọng điểm và Sáng kiến hành lang bảo tồn đa dạng sinh học, do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng cho biết: Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế thuộc khu vực Trung Trường Sơn, là nơi có đa dạng sinh học phong phú. Trong vòng 50 năm qua, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học của khu vực đã bị suy thoái và xuống cấp đáng kể. Chỉ có một nỗ lực quy mô lớn nhằm trả lại sự cân bằng xã hội, kinh tế và môi trường, trên toàn bộ cảnh quan mới đủ để bảo đảm sự dồi dào về tài nguyên thiên nhiên cho hiện tại và tương lai.

Trong giai đoạn 1 của Tiểu vùng Mê Kông mở rộng - Sáng kiến bảo tồn hành lang đa dạng sinh học 2006-2009, tài liệu dự án cho 34 xã được chọn trải rộng trên 6 huyện ở Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, do Chương trình môi trường trọng điểm chuẩn bị cho giai đoạn 2 thuộc Dự án Sáng kiến hành lang bảo tồn đa dạng sinh học (BCI) giai đoạn 2011-2018.

Theo khảo sát đánh giá của các chuyên gia ADB: Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng GDP của 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế cao hơn nhiều so với mức tăng trung bình ở Việt Nam, nên mức độ tác động đến tài nguyên và môi trường cũng không ngừng gia tăng. Tất cả sự phát triển kinh tế-xã hội tiềm năng có tác động xấu đối với rừng và đa dạng sinh học đều được Dự án rà soát. Đó là phát triển thủy điện, thủy lợi và nông nghiệp, đường sá, khai khoáng, du lịch, quản lý và khai thác rừng và dân số. Trong đó phát triển thủy điện, mở đường, khai khoáng, khai thác và săn bắn trái phép, cháy rừng đã và đang gây áp lực rất cao đối với tài nguyên rừng trong vùng Dự án Sáng kiến hành lang bảo tồn đa dạng sinh học.   Các hoạt động khác như phát triển cây cao su ở Quảng Nam và Quảng Trị; cây cà phê ở Quảng Trị; gia tăng dân số ở các huyện miền núi của Quảng Nam và Quảng Trị; nghèo đói ở các huyện miền núi Quảng Nam...cũng đã và đang tác động xấu đến tài nguyên rừng và đa dạng sinh học tại đây.

Để đối phó với những áp lực tác động xấu đến đa dạng sinh học, ông James Peters, Trung tâm hoạt động môi trường ADB cho rằng, phải đẩy mạnh đầu tư hạ tầng xanh như hài hòa kế hoạch sử dụng đất/hệ thống sở hữu đất; xác định giá trị dịch vụ hệ sinh thái và các mảng đầu tư có liên quan; giao thông vận tải tập trung tăng hiệu quả vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí nhiên liệu vận tải và ngành lâm nghiệp nên tập trung vào giảm khí nhà kính...

Các nhà khoa học tham dự hội thảo thống nhất coi giải pháp tối ưu để bảo tồn hành lang đa dạng sinh học Quảng Nam - Thừa Thiên Huế - Quảng Trị là ưu tiên cao cho việc bảo vệ rừng. Hành lang đa dạng sinh học bao gồm khu vực thượng nguồn của hệ thống sông Vu Gia, thượng nguồn hệ thống sông Thu Bồn ở Quảng Nam; khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, đường Hồ Chí Minh đoạn chạy dọc trên địa bàn huyện A Lưới, thượng nguồn sông Tả Trạch huyện Nam Đông thuộc Thừa Thiên-Huế; khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa và khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và Bắc Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị.

Nguồn: monre.gov.vn