Thủ đô Hà Nội rất đẹp, có hồ Hoàn Kiếm với những hàng cây cổ thụ quanh hồ luôn khiến khách du lịch trong nước và nước ngoài say mê, trầm trồ khen ngợi. Tiền nhân đã dạy: "Về làng mong gặp người già, về quê mong thấy nhiều cây cổ thụ".
Bởi vậy, những cây cổ thụ xung quanh Hồ Gươm cần phải được quan tâm, chăm sóc tốt hơn. Ví dụ, cây hoa gạo phía đường Lê Lai rất cổ, rất đẹp. Trước kia, mỗi khi đến mùa, hoa gạo nở đỏ rực một góc hồ, ngắm không chán mắt. Nay gốc cây xù xì các vết sẹo, có hốc cây người chui lọt. Đến mùa hoa, cây chỉ ra nụ, không kịp nở đã rụng, chứng tỏ cây đã cỗi quá, cần được chăm sóc đặc biệt như đắp thêm đất vào các hốc cây, bón phân vi sinh... kẻo cây chết thì không biết đến bao giờ mới trồng lại được. Thực tế đã cho thấy, cây gạo phía bên phải đền Ngọc Sơn hơn chục năm rồi mà vẫn còi cọc...
Còn cây đa cổ thụ cạnh đền Bà Kiệu cũng già quá rồi, tầm gửi bám đầy ngọn cây. Mỗi mùa lá đa rụng thì chỉ còn thấy các bụi tầm gửi xanh um. Để bảo vệ cây đa này, cần phải cắt bỏ hết các bụi tầm gửi, chăm bón gốc để rễ cây khỏe mạnh. Mấy cây lộc vừng quý hiếm trước kia hoa đỏ rực, buông rèm xuống mặt nước hồ, những năm gần đây lượng hoa cũng đã thưa vắng dần...
Nói đến Tháp Hòa Phong, di tích độc nhất còn lại của chùa Phổ Giác, bốn vòm Tháp đều bị nứt ở giữa, nhất là vòm Tháp phía vườn hoa Lý Thái Tổ thì vết nứt to lên đến cả tầng hai của Tháp. Đi qua Tháp Hòa Phong, nhiều người có tuổi gọi là "Tháp Ba-bi-lon" (?) vì trên các tầng tháp cây mọc tự nhiên cao đến 2- 3 mét. Cây si, cây đề và các loại cây khác mọc tứ phía, có cây cao đến nóc tháp, buông rễ xuống gần mặt đất. Rễ cây si bò quanh, ăn sâu vào các vết nứt, có nguy cơ dần phá vỡ Tháp, rất cần được chặt bỏ.
Về Tháp Bút, trước bị nghiêng nay đã được dựng lại, xây đá hộc nhưng trông thô thiển quá. Nên đắp đất giữa khe những tảng đá hộc rồi trồng cỏ, tạo vẻ đẹp "non xanh" cho Tháp.