Mai vàng Yên Tử

Cập nhật: 20/01/2012
Nếu bạn đến Yên Tử vào mùa xuân bạn sẽ gặp cả rừng Mai vàng rực rỡ nổi lên giữa màu xanh điệp trùng của núi rừng Đông Bắc.

Rừng Mai có từ xa xưa

Năm 2007, tại khu rừng đặc dụng Yên Tử, cây mai vàng được phát hiện như một sự khám phá đầy bí ẩn. Thường thì mọi người vẫn quen gọi mai vàng miền Nam. Nhưng nay mai vàng đã nở ngay giữa miền Bắc. Và để phân biệt với các giống hoa mai vàng ở khu vực phía Nam, người ta đã đặt cho nó cái tên “mai vàng Yên Tử”.

Tương truyền, vào khoảng những năm 1285-1288, sau khi vua Trần Nhân Tông dẹp xong giặc phương Bắc đã truyền ngôi vua cho con trai và lên núi Yên Tử tu hành. Tại đây, ông đã sáng lập ra Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử và phát động các tín đồ Phật tử trồng cây mai vàng. Sau nhiều năm được bàn tay các tín đồ Phật tử chăm sóc và sự ưu ái của thiên nhiên, từ những cây mai nhỏ bé đã thành các khu rừng mai rộng lớn. Theo mốc thời gian đó, đến nay, các khu rừng này đã gần 800 năm tuổi. Những Phật tử và du khách đến đây đã đặt tên cho các khu rừng này là “Đại lão mai vàng Yên Tử”. Rừng “Đại lão mai vàng” phân bố tại nhiều điểm ở quanh núi Yên Tử như tại khu vực chùa Đồng Tử , Thác Vàng, Thác Bạc, chùa Một Mái, chùa Vân Tiêu, chùa Bảo Sái...

Tuy cây mai vàng Yên Tử và cây mai vàng miền Nam thuộc cùng một loài, song, mai vàng Yên Tử lại sống trong nền khí hậu có nhiệt độ thấp về mùa đông nên đã tạo ra sự khác biệt về mặt hình thái, hoa nở theo chùm, và một cây có rất nhiều chùm. Đó chính là những vẻ đẹp riêng của mai vàng Yên Tử. Ngoài ra hoa mai Yên Tử có mùi thơm nhẹ, có màu vàng sáng và có 5 cánh, lá to hơi tròn, có màu xanh đậm, mép lá trơn và không có răng cưa. Cây có thể cao đến 15m, đường kính thân 60-70cm và có rất nhiều cành, thường mọc trên các vách đá, gần các khe suối trong rừng.

Khoảng trung tuần tháng Hai (Âm lịch) hằng năm, tức là giữa mùa lễ hội, cả khu rừng mai vàng Yên Tử đồng loạt nở, Phật tử và du khách thập phương náo nức về dự hội và ngắm hoa mai vàng nở. Màu sắc rực rỡ của hoa mai làm sáng cả một khu rừng và tỏa ra hương thơm rất dễ chịu.

Đừng để mai một rừng Mai

Mai vàng Yên Tử là giống mai quý của Việt Nam, được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm và đề xuất: Cần bảo tồn, lưu giữ và phát triển giống hoa mai vàng quí giá này, để góp phần tô điểm sắc xuân cho vùng núi Yên Tử linh thiêng. Song, cánh rừng “Đại lão mai vàng Yên Tử” đang dần bị thu hẹp dần về diện tích và giảm dần về số lượng cây do sự khai thác bừa bãi, nhất là các cây có độ tuổi trên 100 năm tuổi. Nếu kéo dài tình trạng này, rừng mai vàng Yên Tử sẽ có nguy cơ cạn kiệt.

Mai vàng Yên Tử được người dân ươm trồng nhân giống (Ảnh: Tiến Dũng)

Trước thực trạng trên, Ban quản lý Di tích Yên Tử cùng các nhà nghiên cứu đã đưa ra những biện pháp bảo tồn mai vàng Yên Tử: Nghiên cứu về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây; kỹ thuật điều khiển nở hoa , tuyên truyền vận động nhân dân về công tác bảo vệ rừng… Tất các các biện pháp này đang được áp dụng, nhưng nếu không thật sự quyết liệt có lẽ đến một ngày nào đó con người sẽ lại làm mất một cảnh đẹp có một không hai ở miền Bắc đó là rừng Mai Yên Tử.

Nguyễn Trang


Nguồn: BDL