10 giải pháp mạnh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường năm 2012

Cập nhật: 31/01/2012
Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố 10 giải pháp quản lý môi trường sẽ được thực hiện trong năm 2012. Việc triển khai 10 giải pháp này nhằm mong muốn tạo được bước chuyển mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về môi trường.

1. Chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng trong và ngoài bộ tổ chức rà soát, đánh giá lại các chỉ tiêu về môi trường trong Nghị quyết số 56/2006/QH11 của Quốc hội khóa XI về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010; nghiên cứu, đề xuất đưa bộ chỉ tiêu mới về môi trường vào Chiến lược quốc gia bảo vệ môi trường giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đảm bảo phản ánh đúng vai trò môi trường là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững, đồng thời làm rõ cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi, thực hiện các chỉ tiêu đó. 

2. Tập trung tiến hành nghiên cứu, xây dựng Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm khắc phục ngay những tồn tại, bất cập hiện nay để có thể kịp trình Quốc hội khóa XIII xem xét trong năm 2013 với mục tiêu xây dựng một hệ thống pháp luật về môi trường hoàn chỉnh, qua đó tăng cường hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. 

3. Cần coi trọng nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức. Trong năm 2012, tiếp tục rà soát trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ các đơn vị trực thuộc, kể cả cán bộ lãnh đạo để đề xuất bố trí, phân công công việc bảo đảm sự hợp lý về năng lực với trọng trách được giao; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xây dựng các tiêu chí chức danh chuyên môn nhằm nâng cao vai trò của cán bộ trong quá trình thực thi công vụ; phối hợp chặt chẽ với Vụ Tổ chức cán bộ của bộ về định biên biên chế sự nghiệp để có kế hoạch tuyển dụng, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp của Tổng cục. Khẩn trương rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục và các đơn vị trực thuộc, đề xuất phương án kiện toàn tổ chức bộ máy trong quá trình sửa đổi, bổ sung Quyết định số 132/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tham gia tích cực để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ cho phù hợp với tình hình mới.

4. Tập trung triển khai quyết liệt các đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông trên cơ sở phối hợp chặt chẽ hoạt động của các đơn vị trực thuộc Tổng cục, phát huy vai trò của Ủy ban nhân dân các tỉnh trên địa bàn các lưu vực sông và các đơn vị có liên quan trực thuộc bộ. Trong năm 2012, phải quyết tâm tạo ra sự chuyển biến đột phá về công tác bảo vệ môi trường tại các lưu vực sông. Kiện toàn lại mô hình hoạt động của các ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.  

5.  Nhanh chóng ổn định tư tưởng, tổ chức của các cán bộ làm công tác thanh tra về môi trường, qua đó tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra. Trong năm 2012 sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở nhập khẩu phế liệu; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên các lưu vực sông; cơ sở nuôi trồng và chế biến thủy sản; cơ sở hành nghề quản lý chất thải nguy hại; các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường.

6. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai Luật Đa dạng sinh học; hướng dẫn kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học ở các cấp; triển khai nhanh công tác quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học và xây dựng Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020; tăng cường thực thi pháp luật và giám sát việc thực hiện pháp luật về đa dạng sinh học và tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học.

7. Tăng cường các hoạt động kiểm soát ô nhiễm trong toàn quốc, tập trung vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và Làng nghề, đẩy mạnh hợp phần KSON và cải thiện môi trường tại làng nghề.

8. Tập trung chỉ đạo tăng cường năng lực về ĐMC, ĐTM và hậu kiểm từ trung ương tới địa phương, hình thành cơ sở dữ liệu về ĐMC, ĐTM trên phạm vi toàn quốc. 

9. Đẩy mạnh công tác truyền thông về môi trường so với các năm trước, tăng cường ứng dụng tối đa công nghệ thông tin; phối hợp chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin lên Cổng thông tin điện tử Tổng cục; triển khai hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp trên toàn Tổng cục.  

10. Cần phát huy vai trò của tư vấn về công nghệ môi trường, xây dựng các mô hình nhằm thu hút các đối tượng khác nhau trong xã hội tham gia. Tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học về môi trường; nâng cao công tác hợp tác quốc tế và mở rộng đối tượng hợp tác quốc tế, phục vụ tốt công tác của Tổng cục; tiếp tục chú trọng nâng cao hiệu quả quan trắc tại Tổng cục cũng như các địa phương, phổ biến rộng các mô hình quan trắc tại địa phương.

 

Nguồn: SGGP