Phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long: Quảng bá để bảo tồn

Cập nhật: 03/02/2012
Vừa qua, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã bàn giao cho thành phố Hà Nội khu A, B thuộc Khu di tích Hoàng thành Thăng Long Hà Nội sau gần 9 năm nghiên cứu khai quật. Trong thời gian tới, Hà Nội phải làm gì để bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của khu di tích đặc biệt quan trọng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới này?

Bài toán bảo tồn

PGS, TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết, Việt Nam chưa có khoa học bảo tồn loại hình di chỉ khảo cổ học dưới lòng đất. Ở khu di tích Hoàng thành Thăng Long, các nhà khoa học chỉ mới làm mái che mưa nắng bên trên, dùng máy bơm hút nước ra khi có nước ngầm, nước mưa chứ chưa phải là một công trình kiến trúc bảo tàng các di tích tại chỗ và ngoài trời. Việc bảo tồn di tích Hoàng thành hiện nay gặp nhiều khó khăn vì di tích nằm ở độ sâu từ 1 đến 4m dưới lòng đất. Hơn thế, toàn bộ các dấu tích còn lại chắc chắn là các phế tích của kiến trúc cung điện và những yếu tố kiến trúc liên quan đến sinh hoạt của cư dân ngày xưa. Chín năm kể từ ngày di tích phát lộ, Viện Khảo cổ học đã tiến hành việc bảo tồn cấp thiết và có một số kinh nghiệm nhất định mà Hà Nội có thể kế thừa. Trước tiên là phải làm mái che bảo vệ để di tích không bị ngập nước, vì ở đây nước ngầm, nước mưa rất nhiều. Các di tích khi bị nước tràn vào, ngập thì phải dùng bơm bơm cưỡng bức theo những thiết kế về thoát nước ngầm, nước mưa. Bài toán đặt ra bây giờ là phải tiến hành bảo tồn những di vật liên quan. Với những di vật bằng gạch, ngói, đá thì có thể tương đối yên tâm vì khi đã trải qua quá trình nung, chúng khá bền vững. Vấn đề trước mắt là phải xử lý những di vật được làm từ gỗ. Theo các nhà khoa học, cách tốt nhất để bảo quản di vật bằng gỗ là để dưới lòng đất, trả lại nguyên trạng vì trong môi trường ấy, gỗ được bảo vệ rất tốt. Tuy nhiên, vì nhu cầu giới thiệu nên các nhà khảo cổ đã đưa lên mặt đất một số dấu tích đầu cột xuất lộ. Với loại di vật này, phải để trong bể nước để ngâm tẩm rồi đưa công nghệ vào xử lý. Những di vật bằng kim loại thì bảo vệ theo kinh nghiệm của Việt Nam và thế giới. Cuối cùng và quan trọng nhất là cần tiếp tục nghiên cứu các yếu tố vi khí hậu, vi môi trường trong khu vực bảo tồn. Về vấn đề này, các nhà khoa học đang phối hợp với các chuyên gia nước ngoài đo độ ẩm, mực nước ngầm, độ nứt nẻ của nền nhà đã xuất lộ. Viện Khảo cổ học đã ký kết với các chuyên gia Bỉ tiến hành lắp đặt thiết bị đo sự biến động của vi khí hậu hằng ngày. Các nhà khoa học sẽ tổng hợp kết quả đo đạc đến 3 năm, từ đó đưa ra giải pháp giữ mực nước ngầm, độ ẩm tại khu vực bảo tồn. Về việc xử lý rêu mốc, các nhà khoa học đang định mời một số chuyên gia Pháp để sử dụng công nghệ nano chống rêu mốc.

Làm gì để phát huy giá trị của di tích?

Theo TS Tống Trung Tín, muốn khai thác, phát huy giá trị của di tích, cần tích cực tuyên truyền, quảng bá giá trị của di tích. Về mặt này, chúng ta nên học tập kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới có loại hình di tích gần tương tự nước ta, như cách quản lý, trưng bày của khu di tích cố đô Nara của Nhật Bản. Hà Nội nên phối hợp với các công ty du lịch quốc tế trong và ngoài nước để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, phải tăng cường, đa dạng hóa hình thức trưng bày, từ trưng bày di tích tại chỗ đến trưng bày di vật và thay đổi các hình thức trưng bày sao cho hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, cần tăng cường các hạng mục tham quan du lịch, ví dụ các nhà khoa học đang có kế hoạch nghiên cứu để phục dựng một vài tòa điện tiêu biểu của thời Lý, Trần, hay Điện Kính thiên thời Lê sơ để du khách thấy tận mắt hình ảnh của một cung điện ở Hoàng thành Thăng Long xưa.

Ngoài ra, Hà Nội cũng có thể phát triển các dịch vụ đi kèm như dịch vụ thuyết minh, mua bán đồ lưu niệm đặc trưng của Hoàng thành Thăng Long. Cụ thể, chúng ta chế tác các bức tượng nhỏ, sản xuất quần, áo in hình biểu trưng của Hoàng thành Thăng Long qua các thời kỳ Lý, Trần, Lê. Học tập kinh nghiệm các nước, chúng ta có thể tìm một vị trí nào đó tổ chức kinh doanh ẩm thực của Thăng Long. Trong tương lai, khi du khách đến tham quan đông thì chúng ta cần phải quản lý lượng người tham quan một cách hợp lý, khoa học sao cho vừa bảo đảm được việc thưởng ngoạn của du khách, vừa bảo tồn được giá trị của di tích.


Nguồn: HNM