Ngày 1/2, tại Diễn đàn cấp cao phát triển bền vững đang diễn ra ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, Liên hợp quốc đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của việc châu Á phổ cập năng lượng bền vững cho người dân vào năm 2030.
Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn lời Chủ tịch Cơ quan Năng lượng Liên hợp quốc và Tổng Giám đốc Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO), ông Kandeh K. Yumkella, lưu ý rằng để đạt được mục tiêu này tất cả các nước cũng như các lĩnh vực kinh tế của châu Á cần hành động để định hình chính sách và các quyết định đầu tư cho tương lai của năng lượng bền vững.
Hiện có khoảng 20% dân số thế giới 7 tỷ người chưa được sử dụng điện và gần 50% dân số vẫn còn phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu thô như gỗ, than đá, than củi hoặc phân súc vật để nấu ăn hoặc sưởi ấm, trong khi ở các nước phát triển lại phổ biến tình trạng lãng phí năng lượng.
Trong bối cảnh này, các nước công nghiệp hóa phải đẩy nhanh quá trình chuyển sang công nghệ mới ít thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Nhiều nước đang phát triển có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và quy mô lớn cần tận dụng cơ hội bỏ qua các lựa chọn năng lượng thông thường để nhảy vọt sang các công nghệ năng lượng sạch hơn nhằm tăng hiệu quả phát triển kinh tế xã hội.
Tổng Giám đốc Yumkella nhấn mạnh nghèo năng lượng không được phép làm phương hại tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ ở châu Á vào năm 2015. Các cam kết mới và các dự án đầu tư mới vào năng lượng bền vững sẽ quyết định sự phát triển của châu lục này. Mở rộng tiếp cận năng lượng sạch và hiện đại, tăng cường hiệu quả năng lượng và tăng sử dụng năng lượng tái sinh đem lại lợi ích cho tất cả mọi người châu Á. Đây không chỉ là vấn đề đảm bảo bình đẳng xã hội mà còn là vấn đề thực tiễn có tầm quan trọng khẩn cấp.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã thúc đẩy xây dựng tương lai năng lượng mới thông qua sáng kiến “Năng lượng Bền vững cho tất cả” và chỉ định Nhóm cấp cao gồm các nhà lãnh đạo chính phủ, kinh doanh, tài chính và xã hội dân sự trên thế giới để huy động và tạo điều kiện cho các nước thực hiện các cam kết hành động phổ cập năng lượng bền vững, tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng và thị phần của năng lượng tái sinh trong tổng năng lượng toàn cầu trong vòng 20 năm tới./.