Phát triển du lịch bền vững

Cập nhật: 08/02/2012
Sự tồn tại và phát triển của ngành Du lịch gắn liền với khả năng khai thác tài nguyên, khai thác đặc tính của môi trường xung quanh. Do đó, hoạt động du lịch có mối quan hệ qua lại mật thiết với môi trường. Nhưng nếu không biết khai thác tiềm năng du lịch một cách hợp lý, sẽ làm suy giảm chất lượng môi trường và ảnh hưởng tới phát triển du lịch. Như vậy, hoạt động du lịch tác động vào môi trường theo chiều tích cực và tiêu cực.

Tác động tích cực của phát triển du lịch tới môi trường

Phát triển du lịch tác động tích cực tới vào việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên.

Để hấp dẫn khách du lịch, các cảnh quan thiên nhiên có khả năng đưa vào phát triển du lịch sẽ được ngành Du lịch đầu tư tu bổ ngày càng tốt hơn và các diện tích tự nhiên cho phát triển các khu bảo tồn và vườn quốc gia được đảm bảo.Vì vậy, phát triển du lịch sẽ tạo điều kiện cho việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên.

Phát triển du lịch tác động tích cực vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và lưu trú của du khách, thì việc cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các cơ sở hạ tầng ở các địa phương (sân bay, đường sá, hệ thống cấp thoát nước, xử lý chất thải, thông tin liên lạc) là cần thiết. Thông qua các hoạt động này, cơ sở hạ tầng ở các địa phương trên phạm vi cả nước sẽ được đầu tư nâng cấp.

Thứ ba, phát triển du lịch tác động tích cực vào việc nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ và tăng cường chất lượng môi trường.  

Du lịch phát triển kéo theo sự gia tăng lượng khách trong nước và quốc tế.  Thông qua trao đổi và giao tiếp với du khách, cộng đồng địa phương sẽ hiểu biết và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái cho hoạt động du lịch. Đồng thời, việc quy hoạch cảnh quan, thiết kế xây dựng và duy tu bảo dưỡng các công trình kiến trúc cho phát triển du lịch sẽ huy động cộng đồng có những sáng kiến làm sạch môi trường, kiểm soát chất lượng không khí, nước, đất, ô nhiễm tiếng ồn, thải rác và các vấn đề môi trường khác.  

Tác động tiêu cực của phát triển du lịch tới môi trường

Phát triển du lịch đã tạo áp lực mạnh tới khả năng đáp ứng về tài nguyên và môi trường. Phát triển du lịch đồng nghĩa với việc làm gia tăng lượng du khách tới các điểm tham quan du lịch, tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và gia tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên,... từ đó dẫn đến sự gia tăng áp lực của phát triển du lịch đến môi trường. Do tốc độ phát triển du lịch quá nhanh ở một số địa phương nên hoạt động du lịch đã vượt ngoài khả năng kiểm soát, đã tạo sức ép lớn đến khả năng đáp ứng của tài nguyên và môi trường, gây khả năng ô nhiễm cục bộ và nguy cơ suy thoái môi trường lâu dài. Điều này thể hiện qua việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của du khách ngày càng lớn, đã tác động tiêu cực đến môi trường:

Du lịch phát triển, lượng khách du lịch đông, nhu cầu cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, rác thải càng lớn. Nếu không có biện pháp xử lý tốt vấn đề nước thải, rác thải sinh hoạt hàng ngày tại các khách sạn, nhà hàng thì nguy cơ ô nhiễm môi trường là điều không thể tránh khỏi. Bởi lẽ, khi không có hệ thống xử lý nước thải hợp lý và rác thải vứt bừa bãi, nước thải sẽ ngấm xuống bể nước ngầm hoặc chảy ra sông, hồ, biển làm ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước, gây mất cảnh quan môi trường, lan truyền nhiều loại dịch bệnh và nảy sinh các xung đột xã hội.

Phát triển du lịch có thể gây ô nhiễm khí thông qua phát xả khí thải của động cơ ô tô, xe máy và tàu thuyền, đặc biệt là ở các trọng điểm, trục giao thông chính, gây hại cho cây cối, động vật hoang dã...

Du lịch phát triển kéo theo đó là gây ra tiếng ồn từ các phương tiện giao thông và du khách có thể gây phiền hà cho cư dân địa phương và các du khách khác kể cả động vật hoang dã.

Nếu phát triển du lịch không theo quy hoạch sẽ có các khách sạn, nhà hàng không đủ tiêu chuẩn về kiến trúc, dịch vụ bố trí thiếu khoa học sẽ mọc lên ngày càng nhiều, gây ảnh hưởng tới cảnh quan và chất lượng môi trường.

Việc phát triển hoạt động du lịch thiếu kiểm soát có thể tác động làm xói mòn đất, làm biến động các nơi cư trú, đe dọa các loài động thực vật hoang dã (tiếng ồn, săn bắt, cung ứng thịt thú rừng, thú nhồi bông, côn trùng...)

GIẢI QUYẾT MỐI QUAN HỆ GIỮA PHÁT TRIỂN DU LỊCH VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Về phía Nhà nước, cần đầu tư cho ngành Du lịch để giải quyết tốt các vấn đề về môi trường.

 Đầu tư quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trên cơ sở có sự gắn kết giữa các trung tâm du lịch lớn trong nước với nhau, giữa các trung tâm du lịch lớn trong nước với các trung tâm du lịch lớn của các nước trong khu vực và thế giới. Xây dựng các tuyền giao thông theo quy hoạch tổng thể về du lịch, xây dựng kết cấu hạ tầng đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ở các khu sân bay, bến cảng, bến tầu và những khu du lịch trọng điểm sao cho gắn kết phát triển du lịch với bảo vệ môi trường.

Ưu tiên đầu tư cho các dự án du lịch đã có các giải pháp cụ thể để giải quyết ô nhiễm môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường trực tiếp cho cộng đồng xã hội ở cả hiện tại và tương lai.

Đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học công nghệ mới về bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch. Ngành Du lịch cần phối hợp với các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu tiến hành nghiên cứu có tính hệ thống về tài nguyên và môi trường du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch bền vững.

Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch làm tốt công tác bảo vệ môi trường.

Về phía ngành Du lịch, cần thực hiện chương trình lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào các mục tiêu và hoạt động phát triển của ngành theo hướng phát triển bền vững.

Xây dựng chương trình, kế hoạch tổng thể về duy trì, bảo vệ và phát triển tài nguyên du lịch gắn với bảo vệ môi trường trong Chiến lược Phát triển bền vững ngành du lịch.

Thường xuyên lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường với các hoạt động du lịch.

Xây dựng chiến lược về bảo vệ môi trường ở các khu du lịch có kế hoạch cụ thể cho việc trồng và bảo vệ cây xanh ở những khu du lịch.

Cần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về môi trường du lịch và nâng cao nhận thức về môi trường cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong ngành Du lịch.

Nâng cao hiệu lực quản lý về môi trường du lịch, kiên quyết yêu cầu các cơ sở du lịch, dịch vụ nhà hàng, khách sạn phải tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường và xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải, rác thải đảm bảo đạt tiêu chuẩn quy định. Đồng thời, xây dựng quy chế về xử phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường.

Quản lý tốt cơ sở hạ tầng và môi trường ở những khu du lịch; khuyến khích,  hướng dẫn người dân và các cơ sở dịch vụ du lịch thực hiện thu gom rác một cách khoa học, hợp lý. Tuyên truyền giáo dục cộng đồng giữ gìn vệ sinh môi trường sinh thái trong sạch để làm tăng thêm giá trị của cảnh quan môi trường. Giữ vững an ninh và trật tự xã hội ở những khu du lịch đảm bảo tốt môi trường xã hội cho du khách đến du lịch.

Nâng cao trình độ văn hóa của những người làm trong ngành Du lịch, gắn giáo dục môi trường với các chương trình đào tạo cho mọi đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch.

Ngoài ra, ngành Du lịch cần có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa trong vùng gắn với bảo tồn và khai thác vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên,   tăng cường hợp tác liên ngành và quốc tế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch.

Nguồn: vtr.org.vnv