Ngăn chặn hiệu quả nạn phá rừng ở Tây Nguyên

Cập nhật: 14/02/2012
Nhiệm vụ trọng tâm của ngành lâm nghiệp trong năm 2012 là thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ rừng, lập lại trật tự, kỷ cương và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng chặt phá rừng, khai thác, chế biến, mua bán, vận chuyển gỗ trái phép và các vi phạm pháp luật khác trong quản lý, bảo vệ rừng tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên, Tổng cục Lâm nghiệp thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng và chống người thi hành công vụ; phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm việc buôn bán gỗ qua biên giới, lập chuyên án điều tra, triệt phá đầu nậu, chủ đường dây buôn bán lâm sản trái pháp luật.

Đoàn kiểm tra tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền, các ngành chức năng ở địa phương xác định cụ thể các trọng điểm phá rừng, khai thác gỗ trái phép, các tụ điểm, đường dây khai thác, các cơ sở chế biến, buôn bán, vận chuyển gỗ trái phép, từ đó đề nghị bố trí lực lượng ngăn chặn và xử lý.

Tổng cục Lâm nghiệp cũng xác định rõ các trọng điểm bảo vệ rừng của khu vực Tây Nguyên gồm: Các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu rừng phòng hộ và khu vực biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia; rừng đặc dụng Đắk Uy (Kon Tum); các huyện Ea Súp, Ea H’leo, Buôn Đôn, Krông Bông, Krông Năng, Cư M’gar, các vườn quốc gia Yok Đôn, Chư Yang Sin (Đắk Lắk); huyện Ia Pa, Chư Sê, Chư Pưh, Chư Pr ông, Mang Yang, Ia Grai, Kbang (Gia Lai); huyện Tuy Đức, Đắk G’long, Krông Nô, Đắk Song, Cư Jút (Đắk Nông).

Ban chỉ đạo Trung ương về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tổ chức các đoàn liên ngành đi kiểm tra, đôn đốc các tỉnh khu vực Tây Nguyên thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2011-2012; bảo vệ rừng khu vực biên giới, kiểm soát việc mua bán lâm sản (gỗ, động vật hoang dã) qua biên giới với Campuchia.

Các đoàn này sẽ rà soát các dự án chuyển đổi rừng sang cây trồng khác và các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp; kiểm tra các cơ sở chế biến lâm sản, nhất là những cơ sở ở trong hoặc gần rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Trong những năm gần đây, công tác bảo vệ rừng tại khu vực Tây Nguyên vẫn còn những tồn tại như rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá, lấn chiếm, tạo thành một số “điểm nóng” phá rừng; tình trạng khai thác, chế biến, vận chuyển gỗ trái pháp luật diễn ra ở nhiều nơi.

Thêm vào đó, các xưởng chế biến gỗ, cơ sở mộc được thành lập nhiều, đặc biệt là các xưởng gần rừng không theo quy hoạch, không gắn với nguồn nguyên liệu ổn định; tình trạng chống người thi hành công vụ vẫn còn tiếp diễn và có chiều hướng gia tăng./.

Thanh Tuấn

 

Nguồn: TTXVN/Vietnam+