Du lịch đồng quê - tiềm năng cần được khám phá

Cập nhật: 20/02/2012
Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về việc một số địa phương khai thác khá tốt hình thức du lịch đồng quê, và đã gặt hái được những thành công ngoài mong đợi.

Ở Bình Thuận, Tánh Linh là huyện có nhiều tiềm năng về loại hình du lịch này. Tánh Linh không chỉ có đại ngàn bao la, núi non hùng vĩ, mà còn có cánh đồng La Ngà rộng lớn, nên hầu như chứa đựng trong lòng mọi cái đặc trưng của cuộc sống làng quê Việt. Hiện nay, không ít du khách đang có cảm giác nhàm chán với những tour du lịch bị đóng khung trong những khách sạn sang trọng, những cảnh sắc nhân tạo, những dịch vụ vương giả, thì du lịch đồng quê đang là một cánh cửa cần được rộng mở để giải phóng con người khỏi những cuộc rong chơi thụ động.

Du lịch đồng quê không chỉ đưa du khách về với cảnh trí, với con người nông thôn, mà còn phải giúp họ thâm nhập vào cuộc sống,  đời sống nhà nông một cách chủ động. Giúp họ  có được cái nhìn của người dân quê, cùng trải nghiệm và cùng vui buồn với nhà nông. Hình thức du lịch này chắc chắn không thể nhàn tản, nhưng họ sẽ thích thú vì những điều mà với họ là mới lạ và độc đáo.

Bạn hãy tưởng tượng về một ngôi làng mà du khách đến đó không chỉ có các hoạt động mang tính tập thể của cả gia đình, mà có thể những người đàn ông sẽ được tách ra để tham gia các hoạt động như cày ruộng, be bờ, tát nước. Phụ nữ sẽ xuống ruộng cấy lúa, học đan lát, thêu thùa, may vá. Trẻ em sẽ được cưỡi trâu, thổi sáo, thả diều, lùa vịt… Ban đêm, thay vì túm tụm trước màn ảnh nhỏ, các em sẽ được chơi các trò chơi dân gian cùng đám trẻ trong làng như u mọi, chơi keo, táng lon, năm mười… Ngoài ra, du khách còn có thể vượt núi băng rừng, được học các kỹ năng để trải qua cuộc sống dài ngày giữa rừng sâu. Đó không chỉ đơn thuần là một chuyến du ngoạn, mà chính là cuộc sống thực, gần gũi thiên thiên, để qua đó hiểu thêm về cuộc sống của người dân ở nơi mà họ đến.

Tôi đã từng chứng kiến những đứa trẻ thành phố, mỗi khi về quê lại lon ton đuổi gà đuổi vịt. Cái công việc ở thôn quê bị xem là vô nghĩa và nhàm chán ấy lại khiến chúng vô cùng thích thú. Chúng lạ lẫm với mọi con vật. Chúng nhằng nhẵng bám theo những đứa trẻ cưỡi trâu qua ngõ, trông vẻ mặt hết sức thèm thuồng. Người lớn thì lại thích kéo nhau ra vườn trèo cây hái quả, hay rủ nhau lên rẫy bẻ bắp, hái măng. Cái mà ở thôn quê bị xem là lam lũ, khổ cực thì người thành phố lại rất thích được tham gia. Chính vì vậy, loại hình du lịch này dù mới mở ra nhưng đã thu hút được một lượng du khách đông đảo.

Nói thì nói vậy, nhưng chúng ta cũng không thể lập tức mở ngay các tour du lịch về nông thôn theo kiểu này. Nông thôn bây giờ đang có tình trạng nửa phố nửa quê. Các công việc nhà nông đang được cơ giới hóa mạnh mẽ. Trẻ em thì thay vì chơi các trò chơi dân gian, lại thích chui vào các tiệm net, chẳng khác gì trẻ em thành phố. Bởi vậy, trước hết cần có sự quy hoạch lại, để tạo ra các ngôi làng nông thôn đúng nghĩa để phục vụ du lịch. Nông dân làm nông không hoàn toàn sống bằng hạt lúa, mà còn phải sống được bằng du lịch. Muốn vậy, họ phải được đào tạo để có thể trở thành những hướng dẫn viên thực thụ. Họ phải thuần thục các công việc nhà nông để không chỉ hướng dẫn, mà còn có thể giúp đỡ du khách khi cần thiết. Khi lội suối băng ngàn, họ phải là người bạn đường tin cậy, có sự am hiểu và kỹ năng sống ở rừng để du khách yên tâm tận hưởng mọi cảm giác giữa rừng sâu. Khi xuống ruộng, họ phải biết cách hướng dẫn du khách thực hành mọi thao tác để có thể sử dụng nông cụ mà không gây ra các tai nạn không đáng có.

Du lịch đồng quê ở Tánh Linh hiện nay chỉ là ở dạng tiềm năng, và để các cảnh quan thiên nhiên như Thác Bà, Biển Lạc có thể thu hút được du khách thì cái tiềm năng về du lịch đồng quê này cũng nên được xét đến. Trong khi chờ đợi những sự đầu tư lớn để biến các cảnh quan thiên nhiên thành những điểm du lịch hấp dẫn, thiết nghĩ cũng nên chuẩn bị để hình thức du lịch đồng quê có thể ra đời và làm thỏa mãn sự háo hức của những du khách đã chọn Tánh Linh làm nơi khám phá mới của mình.

Nguồn: Báo Bình Thuận