Quảng Ninh: Đánh thức tiềm năng du lịch văn hóa

Cập nhật: 24/02/2012
Nhắc đến Quảng Ninh, người ta sẽ nhớ ngay đến Vịnh Hạ Long - danh thắng đã 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thế giới; lại vừa được bình chọn là Kỳ quan Thiên nhiên thế giới mới.

Cũng không người con đất Việt nào lòng không hướng về Yên Tử và mong một lần được hành hương về kinh đô Phật giáo Đại Việt. Đó là những di sản văn hoá nổi tiếng đã được xác lập về giá trị, ngày càng thu hút đông đảo du khách bốn phương. Nhưng bên cạnh đó, Quảng Ninh còn sở hữu nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể có giá trị khác, là nguồn tài nguyên quý để phát triển du lịch văn hoá tâm linh theo hướng bền vững.

Ngay dải đất vòng cung Đông Triều ngày nay, nhiều người đã biết đến khu di tích lịch sử nhà Trần cũng là quê gốc, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các vị Tiên đế nhà Trần; là trung tâm văn hoá tiêu biểu, đặc sắc duy nhất của nhà Trần lúc bấy giờ. Nhiều di tích nơi đây trải qua thời gian và những thăng trầm lịch sử hiện chỉ còn là phế tích nhưng tiếng vọng từ quá khứ vẫn dội lại làm lớp hậu sinh hôm nay vẫn mãi tìm tòi, khám phá. Đâu là chùa Quỳnh Lâm từng là trung tâm Phật giáo lớn nhất của Đại Việt, “Đệ nhất danh lam cổ tích” của nước ta lúc bấy giờ, nơi có bức tượng Di Lặc bằng đồng là một trong An Nam tứ đại khí; đâu là dấu tích Viện Quỳnh Lâm với kiến trúc đồ sộ hay đền Thái, một trong những Thái Miếu được dựng lên trên quê gốc của nhà Trần tại Đông Triều; am Ngoạ Vân, nơi Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch, chùa Hồ Thiên trên đỉnh Phật sơn từng là nơi đăng đàn thuyết pháp của Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông, là nơi truyền kinh, giảng đạo một thời của tổ Pháp Loa với hàng chục công trình quy mô đồ sộ...

Vượt qua Yên Tử, cội nguồn của đạo Phật Việt Nam gắn liền với thiền phái Trúc Lâm, du khách sẽ đến với Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 tại TX Quảng Yên là nơi ghi dấu chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử phong kiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông (thế kỷ XIII) của cha ông ta. Dấu tích của trận chiến năm xưa giờ còn ở những bãi cọc gần nghìn năm tuổi như: Yên Giang, Đồng Vạn Muối, bãi cọc Đồng Má Ngựa và nhiều chứng tích lịch sử như hai cây lim giếng Rừng, đền thờ Trần Hưng Đạo, miếu vua Bà.v.v. Và ở dải đất biển đảo Vân Đồn, du khách có thể khám phá Khu di tích Thương cảng cổ đầu tiên của quốc gia Đại Việt. Có thể nói, trong cả nước thì không tỉnh nào có đến 4 khu di tích lớn và có giá trị đặc biệt như Quảng Ninh.

Không chỉ vậy, lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm và chinh phục thiên nhiên của ông cha ta hàng ngàn năm qua còn để lại trên mảnh đất Quảng Ninh ngày nay một kho di sản văn hoá vô cùng phong phú và đa dạng với hơn 600 di tích lịch sử văn hoá và danh thắng, trong đó có hàng trăm di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia và cấp tỉnh. Ngoài ra, còn phải kể đến 2.850 di sản văn hoá phi vật thể, có giá trị được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong số đó, các lễ hội truyền thống như Yên Tử, Bạch Đằng, Tiên Công, Cửa Ông, Vân Đồn, Trà Cổ đã dần trở thành “thương hiệu” của Quảng Ninh, thu hút ngày càng đông đảo lượng khách thập phương tìm đến, trở thành ngày hội văn hoá lớn. Tiêu biểu nhất là lễ hội Yên Tử, chỉ riêng ngày khai hội năm nay đã đón tới 5,5 vạn lượt khách về dự. Đây cũng là di tích bắt đầu có lượng khách nước ngoài, nhất là du khách châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.v.v. đến tham quan, du lịch và tìm hiểu về văn hoá. Như năm 2011, số lượng khách đến Yên Tử đạt 2,2 triệu lượt người, dự kiến năm nay sẽ là 3 triệu lượt; khách  du lịch đến Vịnh Hạ Long trong năm 2011 đạt hơn 4 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt hơn 2 triệu lượt, doanh thu đạt 2.236 tỷ đồng.         

Tuy vậy, việc khai thác những di sản trên địa bàn để phát triển du lịch văn hoá những năm qua còn nhiều hạn chế. Như di sản Vịnh Hạ Long, hoạt động du lịch mới dừng ở khai thác các giá trị tự nhiên, gần như chưa đi vào chiều sâu các giá trị văn hoá để phục vụ du lịch; các di tích, lễ hội cũng chủ yếu phục vụ nhu cầu văn hoá tâm linh, tham quan vãng cảnh của người dân, việc khai thác hàm lượng văn hoá trong các di sản để phát triển du lịch chưa tương xứng tiềm năng. Như 4 khu di tích trọng điểm của tỉnh, ngoài Yên Tử thì các khu di tích còn lại đều ít người biết đến, trừ các nhà khoa học, nghiên cứu văn hoá và người dân trên địa bàn...

Thiết nghĩ, Quảng Ninh cần xây dựng một chiến lược lâu dài, gắn liền việc bảo tồn, tôn tạo với khai thác phát huy giá trị. Có vậy, những di sản văn hoá giàu có của tỉnh nhà mới được “đánh thức”, phục vụ xu hướng phát triển du lịch bền vững thời gian tới đây.

Nguồn: Báo Quảng Ninh