Tạo sự khác biệt cho du lịch Cà Mau

Cập nhật: 07/03/2012
Trong khi sản phẩm du lịch của một số tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL có sự trùng lắp như du lịch sinh thái vườn cây ăn trái, sông nước, Cà Mau lại có điều kiện đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Bởi Cà Mau có biển, đảo gần bờ, có hệ sinh thái rừng đước, rừng tràm, cộng với hệ thống sông ngòi chằng chịt, rừng cây, ruộng lúa, vuông tôm bát ngát hữu tình và có Mũi Cà Mau - điểm cực Nam Tổ quốc.

Tuy nhiên, đến nay những lợi thế đó vẫn chưa được khai thác, tạo sự khác biệt để thu hút khách du lịch đến với Cà Mau.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhìn nhận, tiềm năng du lịch của tỉnh còn lớn nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong nền kinh tế. Đầu tư cho du lịch còn chậm, yếu, không đồng bộ, vì vậy vấn đề đặt ra không chỉ cho ngành du lịch và tất cả các ngành liên quan là làm sao khai thác, phát huy tiềm năng để thu hút khách du lịch, phát triển dịch vụ, nâng thu ngân sách từ hoạt động này.

Nhận diện "các yếu tố cần"

Những yếu tố tự nhiên và địa lý tạo tính “thiên thời” cho du lịch Cà Mau. Nhưng để du lịch phát triển cần đầu tư thêm nhiều yếu tố khác, trong đó quan trọng nhất là "địa lợi” và “nhân hòa". Tức là phải có con người biết làm du lịch, có sản phẩm cảnh quan môi trường phù hợp, đáp ứng được nhiều đòi hỏi của các loại hình du lịch.

Để có “nhân hòa” tốt còn phải đầu tư những tiện nghi tốt, vừa đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho du khách, vừa lưu lại ấn tượng để cầm giữ chân khách và thu hút họ quay trở lại. Quan trọng hơn hết là yếu tố đảm bảo an toàn cho du khách về mọi mặt.

Còn về “địa lợi” thì phải kế thừa” truyền thống văn hóa, thiên nhiên, lịch sử, rồi tôn tạo và gầy dựng thêm sao cho độc đáo, tạo được nét riêng phù hợp với bản sắc cần bảo tồn để phát triển bền vững.

Cà Mau có những sản phẩm độc đáo đơn lẻ trong dân có thể gây sự tò mò muốn tìm hiểu cho nhiều người, như các hoạt động nuôi trồng, khai thác nông - lâm - thủy sản: câu cua, xổ tôm, thăm làng rừng, các vùng nuôi cá chình, cá bống tượng, thăm các cơ sở làng nghề làm tôm khô, cá khô, khai thác mật ong… Đó cũng chính là những ưu thế khác biệt mà ít có tỉnh nào trong vùng có được nên cần phải suy nghĩ, đầu tư và tìm cách khai thác phục vụ cho "khách lẻ thích đi tuyến nhánh" để tạo sự khác biệt, độc đáo cho du lịch Cà Mau.

Mấy năm gần đây, Cà Mau đáp ứng tương đối cho du khách về nhiều mặt nên thu hút được lượng khách du lịch đến thăm ngày một tăng. Tuy nhiên, so với các tỉnh bạn và với tiềm năng, vị thế thì đó cũng chỉ là những con số còn quá nhỏ. Nếu có chiến lược phát triển bài bản, vững chắc thì bộ mặt ngành du lịch chắc chắn sẽ sinh động hơn nhiều, các hoạt động đưa đón khách sẽ càng thêm nhộn nhịp, sôi nổi. Và du lịch Cà Mau sẽ không bị coi là theo lối mòn, mà sẽ tạo được sự khác biệt cần có để hấp dẫn hơn.

Tạo "yếu tố đủ" cho du lịch

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Cà Mau Trần Quang Bộ chia sẻ, khách du lịch miền Trung, miền Bắc luôn có ao ước là được đặt chân đến Mũi Cà Mau - điểm cực Nam Tổ quốc. Được nhìn tận mắt những hàng đước ngút ngàn, được ngồi cao tốc lướt trên sông với họ cũng là điều lạ.

Du lịch Mũi Cà Mau rất ấn tượng và thu hút nhiều khách du lịch. Nhưng bỏ công ngồi tàu hơn tiếng đồng hồ nhưng chỉ tham quan Mũi vài chục phút là hết thì thật tiếc. Dịch vụ ở đây chưa đặc sắc. Có thể nhìn nhận một điều là các doanh nghiệp làm du lịch còn yếu. Để đẩy mạnh quảng bá thì cần thiết phải có sản phẩm du lịch mới. Cần đôn đốc các doanh nghiệp, các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án đã được phê duyệt. Xu hướng hiện nay là du lịch sinh thái, Cà Mau rất có tiềm năng về mảng này. 

Còn ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng hiện nay vấn đề quy hoạch kéo dài ảnh hưởng đến việc đầu tư của các doanh nghiệp vào du lịch. Vì thế, tỉnh cần triển khai khẩn trương các quy hoạch, ưu tiên hoàn thiện quy hoạch từng khu, triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng để đưa nhà đầu tư vào khai thác ngay.

Tập trung đầu tư một số tour, tuyến thu hút khách. Còn vấn đề thuê rừng làm du lịch, tỉnh có thể áp dụng phương pháp tạm tính trong 3 năm, sau đó theo dõi, đánh giá và tính lại để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai các dịch vụ du lịch.

Hiện tỉnh đã chính thức ký điều chỉnh một số quy hoạch Khu du lịch Công viên Văn hóa Mũi Cà Mau từ 101 ha lên 158 ha; tiến hành điều chỉnh quy hoạch khu du lịch Vườn Quốc gia U Minh Hạ, lập nhiệm vụ quy hoạch khu du lịch - văn hóa & thể thao đầm Thị Tường, khảo sát cụm đảo Hòn Khoai phục vụ cho quy hoạch phát triển du lịch trên đảo.

Phó Chủ tịch UBND Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo các ngành đẩy nhanh các mảng công tác để nhằm tăng sức hấp dẫn cho du lịch Cà Mau. Đó là tăng nhanh tiến độ quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, hoàn chỉnh quy hoạch các khu du lịch.

Trong đó, phải định hướng việc kết nối và tạo sự khác biệt giữa các điểm du lịch để tạo tour, tuyến; rà soát các khu quy hoạch để giao nhà đầu tư, chấn chỉnh những đơn vị không đúng định hướng, chậm tiến độ; sắp xếp lộ trình các quy hoạch; các ngành chức năng tham mưu để tỉnh xây dựng hạ tầng cơ bản.

Đồng thời, phải tăng cường các hoạt động mời gọi đầu tư như giới thiệu những chính sách của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, định hướng sản phẩm du lịch của từng khu, điểm du lịch. Ngoài ra, còn mảng công tác quan trọng nữa là phải tiếp tục làm tốt khâu tuyên truyền, quảng bá các quy hoạch, các sản phẩm du lịch./.

 

Nguồn: Báo Cà Mau